Có một điều đặc biệt thú vị và đáng yêu trong gia đình nhỏ của Thuý Hồng và Maki tại xứ sở hoa Anh Đào: Đó là cả nhà đều sinh năm Tí. Chính vì vậy mọi người vẫn gọi gia đình nhỏ tràn đầy yêu thương ấy là “Gia đình ba con chuột”.
Cách đây cũng tới gần chục năm, Thuý Hồng và Maki là hai bạn trẻ cùng tuổi ở hai đất nước khác nhau, chủ yếu liên lạc thông qua những bức thư. Từ tình bạn đầy đồng cảm và chia sẻ, họ đã tiến tới một tình yêu đẹp và xây dựng được một gia đình nhỏ đầm ấm với cậu con trai Yuuki vừa tròn 2 tuổi.
Điều đặc biệt hơn nữa, dù trong quãng thời gian ở Việt Nam khi vừa cưới xong, hay sau này đã sang định cư ở Nhật, có một người dường như không thể thiếu trong cuộc sống của cô dâu Việt Thuý Hồng, người có thể nói có rất nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ, đó là mẹ chồng cô.
Cô đã viết những dòng nhật ký để chia sẻ những cảm nhận về người mẹ chồng Nhật của mình với tất cả bạn bè tại Việt Nam.
“Lần đầu tiên tôi gặp bà là khi chồng tôi đưa tôi về ra mắt. Trước đó, bà có thể đã đoán ra chồng tôi có ai đó khi những chuyến thăm Việt Nam ngoài công tác cứ tăng dần. Và đến khi chồng tôi quyết định sang hẳn Việt Nam làm việc – một quyết định mang đầy tính hy sinh (đã làm cho tôi “đổ” đến 90%) thì bà nói “Con cứ tiến lên đi”.
Ngày tôi bước chân vào cửa nhà, bà đứng đón ở cổng với bộ quần áo cực kỳ trẻ trung, một chiếc áo sơ mi thụng và quần bò kẻ. Dáng vẻ ấy làm bay đi mọi sự lo lắng về lễ nghi của người Nhật trong tôi.
Thế là tôi “thả phanh” trong suốt chuyến thăm với suy nghĩ AQ là mình cứ thể hiện hết “bản chất xấu xa” đi, về sau mọi người đỡ phải thất vọng. Sáng ngủ muộn, đi chơi cả ngày, về nhà ăn uống no say mà không nấu nướng hay rửa bát…
Lần thứ hai là mẹ chồng tôi cùng bố chồng sang Việt Nam năm 2005 khi chúng tôi làm đám cưới. Khác với tiết mục thi trao quà cưới giữa hai bên thông gia trước quan khách tại nhiều tiệc cưới, mẹ chồng tôi lặng lẽ tặng nữ trang trước đó nhưng lại dặn đừng đeo nó trong đám cưới.
Bà cũng không quên chuẩn bị luôn chuỗi hạt trai cho tôi để tránh đeo đồ kim khí trong ngày cưới. Trong tiệc cưới, ai nhìn thấy mẹ chồng tôi cũng nói tôi giống con gái của bà.
Lần thứ ba là sau khi kết hôn, chúng tôi quay trở lại Nhật thăm gia đình. Trước khi kết hôn, tôi vẫn tâm niệm một điều rằng chuyện mẹ chồng nàng dâu là muôn thủa và không nghĩ mình sẽ “gặp may”. Vậy mà tôi đã lầm, mẹ chồng tôi thương tôi như con gái của bà.
Sau này chúng tôi quyết định chuyển qua Nhật sống, phần vì chúng tôi không còn trẻ nữa, cơ hội để hoà nhập sẽ ngày càng hẹp hơn đối với tôi, phần vì tính chuyện có con cái. Cũng như các nước phương Tây, con cái lớn trưởng thành có công ăn việc làm ổn định thường ở riêng dù đã kết hôn hay chưa.
Nhưng tôi được ở với mẹ chồng một năm để quen dần với cuộc sống bên này. Chồng tôi về nước trước tôi một năm để “dọn ổ” và tôi cũng phải ở lại để hoàn thành nốt khoá học của mình. Về đến nơi, tôi thấy mẹ chồng đã dọn sẵn một căn phòng riêng cho tôi ở tầng một nhìn ra vườn dưới vòm cây hoa hồng...
---------------------
Còn nữa...