Khi được hỏi mình sẽ làm gì với khoản tiền nhàn rỗi sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu, hơn một phần ba người tiêu dùng Châu Á (37%) sẽ đi du lịch/nghỉ dưỡng, giảm từ 44% trong quý I.
Đối với người tiêu dùng Việt Nam, tiết kiệm khoản tiền thừa sau khi đã trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu vẫn là lựa chọn hàng đầu. 66% người Việt dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm thay vì đem đi đầu tư. Người tiêu dùng Việt Nam chi cho giải trí ở ngoài (28%) và nâng cấp nhà cửa (27%) ít hơn so với quý trước nhưng đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng (32%), mua các sản phẩm công nghệ mới (29%), quần áo mới (28%) nhiều hơn (lần lượt 28%, 27% và 25% trong quý I).
Theo khảo sát của Nielsen, 46% người được hỏi cho biết họ cảm thấy triển vọng công việc là tốt hoặc rất tốt, giảm 7% so với quý I và 11% so với cùng kỳ năm 2011. Trung bình cứ 2 người Việt Nam được hỏi thì có một người (51%) thấy tình hình tài chính của mình khả quan (tốt hoặc rất tốt) trong 12 tháng tới, tăng nhẹ từ 49% trong quý I nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (56%).
Người dân Việt Nam thích dành tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm nhiều hơn là đầu tư, du lịch. |
86% người tiêu dùng Việt Nam cho biết đã thay đổi thói quen mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, các khoản được tiết kiệm nhất là điện và nước (70%), giải trí ở ngoài (63%), mua quần áo mới (63%), nâng cấp các thiết bị điện tử (53%) và điện thoại (51%).
Tuy nhiên, báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra người Việt Nam không hoàn toàn lạc quan về triển vọng kinh tế thời gian tới. 5 quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng, theo cơ quan nghiên cứu này, là tình hình kinh tế thế giới, công ăn việc làm, chi phí sinh hoạt tăng, giá thực phẩm tăng và sức khỏe. Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đang lo lắng về tình hình kinh tế thế giới (chiếm 19%).
Trong khi đó, 18% người được hỏi lo lắng công việc của mình không được đảm bảo trong tương lai, 12% “sợ” chi phí sinh hoạt như điện, nước, ga lại tăng lên. Giá thực phẩm tăng và tình hình sức khỏe cũng là 2 trong số những quan ngại hàng đầu của họ trong điều kiện hiện nay.
Ông Glennon, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông cho biết: “Tuy người tiêu dùng Châu Á vẫn đi mua sắm và tận hưởng các dịch vụ giải trí ở ngoài nhưng cũng đang cùng lúc cân nhắc kỹ lưỡng các các khoảng chi tiêu trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Hơn bao giờ hết, chúng ta hy vọng người tiêu dùng sẽ chú ý đến khuyến mại và tiêu dùng nhiều hơn” ông Glennon nói.
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Châu Á trong quý II đạt 100 điểm, giảm 3 điểm so với quý I. Tuy người tiêu dùng bi quan hơn quý trước nhưng khảo sát cho thấy Châu Á vẫn là khu vực lạc quan nhất với chỉ số tiêu dùng cao hơn trung bình thế giới.
“Tình hình kinh tế phức tạp rõ ràng đã ảnh hưởng lên niềm tin người tiêu dùng trong khu vực,” ông Glennon nói. “Chỉ số niềm tin người tiêu dùng không thể gượng dậy trong quý này do ảnh hưởng của nhiều vấn để kinh tế toàn cầu như khủng hoảng nợ tại Châu Âu xấu đi, tăng trưởng chững lại tại Trung Quốc và Ấn Độ, điều này tác động đến thị trường tài chính và niềm tin người tiêu dùng ở nhiều nơi trong khu vực. Người tiêu dùng đang phải cân nhắc các chi phí không cần thiết để thích nghi với các diễn biến của thị trường kinh tế toàn cầu”.