Dân Việt

Kinh tế Việt Nam và “đáy” tăng trưởng

30/07/2012 14:22 GMT+7
(Dân Việt) - “Đáy” của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nếu xét theo quý, thì đã rơi vào quý I.2012 (tăng 4%, thấp nhất so với nhiều quý trước đó, chỉ cao hơn mức đáy 3,14% của quý I.2009).
img
Ảnh minh họa

Mặc dù quý II đã thoát đáy vượt dốc đi lên với tốc độ tăng 4,66%, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 4,38%. Nói cách khác, “đáy” tăng trưởng, nếu xét theo 6 tháng, thì tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2012 cũng là “đáy” của 3 năm nay (2010 tăng 6,18%, 2011 tăng 5,63%, 2012 tăng 4,38%). Vấn đề đặt ra là cả năm 2012 có thể rơi vào “đáy” nào?

Mục tiêu đề ra từ đầu năm theo Nghị quyết của Quốc hội là 6- 6,5%, gần đây được xác định là 6%- cận dưới của mục tiêu được đề ra ban đầu. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo ở mức 5,2- 5,7%. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo tăng 5,3- 5,6%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng 5,4- 5,7%.

Nếu cả năm tăng 6%, thì tăng trưởng năm 2012 không phải là “đáy” của 3 năm qua; nhưng 6 tháng cuối năm phải tăng 7,29%, cao gấp gần 1,7 lần tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm. Điều này là không khả thi hoặc tăng trưởng với bất cứ giá nào thì nền kinh tế sẽ dễ lặp lại vòng luẩn quẩn: “Tăng trưởng- lạm phát- thắt chặt- nới lỏng- lạm phát…”.

Nếu cả năm tăng 5,4- 5,7%, thì tăng trưởng năm 2012 là “đáy” của 3 năm qua, vì thấp hơn tốc độ tăng của 2 năm trước (2010 tăng 6,78%, 2011 tăng 5,89%). Đồng thời 6 tháng cuối năm phải tăng 6,2- 6,76%, đó là tốc độ tăng khá cao, phải tháo gỡ cho được hai điểm nghẽn lớn nhất là nợ xấu và tiêu thụ thấp, thì mới đạt được, nhưng không làm cho lạm phát cao và bất ổn vĩ mô quay trở lại.

Nếu cả năm tăng 5,2- 5,3%, thì tăng trưởng năm 2012 không những là “đáy” của 3 năm qua, mà còn là “đáy” của 13 năm tính từ năm 2000 đến nay, vì thấp hơn tốc độ “đáy” 5,32% của năm 2009. Để cả năm tăng 5,2- 5,3%, thì 6 tháng cuối năm phải tăng 5,87- 6,06%. Đây có thể là tốc độ tăng có tính khả thi và được coi là tăng trưởng hợp lý .

Vấn đề là mục tiêu đầu năm phải được kiên định và nhất quán, làm nền tảng cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Khắc phục sức ỳ của việc khởi động, đẩy nhanh công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu...