Nhiều nông dân mong muốn được dạy nghề may công nghiệp. |
Chất lượng đào tạo còn hạn chế
Việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị dạy nghề cho một số Trung tâm Dạy nghề của Lâm Đồng còn hạn chế và chưa đồng bộ. Hiện nhiều Trung tâm không có giáo viên cơ hữu, phải hợp đồng giáo viên để dạy nghề. Tuy nhiên, phần lớn các giảng viên này yếu về chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy nên bị động trong triển khai tổ chức lớp, hạn chế về chất lượng đào đạo...
Theo thống kê chưa đầy đủ của một số Trung tâm Dạy nghề trong tỉnh, còn khoảng 45% lao động sau đào tạo không có việc làm tại chỗ. Trung tâm Dạy nghề trọng điểm huyện Đơn Dương đã từng mở lớp trồng trọt, may công nghiệp, chế biến nông sản đông lạnh… Mặc dù Trung tâm đã liên kết với các cơ sở, khu công nghiệp trên địa bàn nhưng tỷ lệ học viên có việc làm, có thu nhập ổn định cũng chỉ chiếm khoảng 50,5%, còn lại là do bỏ việc hoặc phải đào tạo lại…
Anh Trần Trọng Nghĩa ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương tham gia lớp học nghề điện lạnh, tâm sự: "Tôi đã có tuổi nên việc tiếp thu bài học cũng khó khăn hơn. Trong khi đó, các lớp học nghề có thời gian đào tạo ngắn, các tiết thực hành không nhiều nên khi kết thúc khóa học, tôi phải tiếp tục theo học một khóa nữa, bây giờ mới kiếm được việc làm ổn định tại một cơ sở sửa chữa điện lạnh”.
Tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, khảo sát thực tế (giai đoạn 2006-2009) trên một số địa bàn huyện cho thấy, công tác đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp tuy được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, nhưng sau thời gian học, thử nghiệm, phần lớn bà con quay về với cách làm cũ. Hơn nữa, giá cả thị trường không ổn định, chi phí cao, mất nhiều thời gian hơn nên nông dân không mấy mặn mà.
Ngoài các nghề gắn với sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, một số nông dân đã tham gia các khóa học như: Điện, gò, hàn,... nhưng do trình độ học vấn thấp nên việc tiếp thu kiến thức để vận dụng vào thực tế không dễ dàng.
Ông Vũ Bá Chữ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà bày tỏ: "Cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Mặt khác, sau khi nông dân được đào tạo nghề, các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ cho vay vốn đầu tư mở cơ sở làm ăn. Có như vậy họ mới sống được với nghề đã học".
Vì những lý do trên, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt sẽ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển đào tạo nghề.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho lao động nông thôn; dạy nghề dài hạn tập trung, phù hợp đặc điểm, khả năng, trình độ của từng đối tượng. Ngoài ra, Đề án còn quan tâm đến lĩnh vực dạy nghề phi nông nghiệp và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, thị trấn.
Ông Ngô Hữu Hay - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho rằng: "Việc đầu tư kinh phí đào tạo nghề sẽ không thực hiện một cách giàn trải theo kiểu cào bằng, mà cần xem xét thực tế hiệu quả dạy nghề của từng trung tâm. Thậm chí, chúng tôi còn đề nghị nên tổ chức đấu thầu nguồn kinh phí ngân sách cấp cho dạy nghề để các cơ sở có điều kiện cùng tham gia…". Và điều đặc biệt quan trọng mà Lâm Đồng đang hướng tới là thiết kế danh mục dạy nghề cho nông dân sát với thực tế lao động từng thôn- buôn, từng làng- xã, từng huyện với cách thức cụ thể nhất.
Đình Thi