Dân Việt

Tôi phải sống!

02/10/2010 18:08 GMT+7
(Dân Việt) – Sau hai tháng điều trị, tôi trở về quê nhà với đôi mắt chìm trong màn đêm tuyệt vọng. Đã nhiều lần tôi định tìm đến cái chết, nhưng cứ nghĩ đến những giọt nước mắt của mẹ khi hay tin hai anh trai hy sinh thì lòng tôi se lại. Tôi quyết định phải sống!
img
Dù đôi mắt đã mù nhưng anh Đinh Văn Lại vẫn sửa được xe đạp

Tôi sinh ra trên mảnh đất miền núi nghèo khó, mồ côi cha khi vừa mới lên ba, một mình mẹ tần tảo nuôi năm anh em tôi khôn lớn. Năm 1975, tôi 18 tuổi, là đội phó đội thuỷ lợi của xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình).

Khi đội thủy lợi của chúng tôi đang đào mương dẫn nước về làng thì vấp phải một tảng đá lớn. Không thể bỏ phí công sức của anh em bấy lâu, tôi và đội trưởng quyết định dùng mìn để phá đá và tôi là người trực tiếp kích mìn nổ. Khi mọi việc đã xong xuôi, tôi chuẩn bị rút lui thì bỗng "ùm" một tiếng! Tôi bị văng ra mấy mét, đất đá ào ào rơi xuống thân tôi, trời đất tối sầm lại…

Sau hai tháng điều trị, tôi trở về quê nhà với đôi mắt chìm trong màn đêm tuyệt vọng. Đã nhiều lần tôi định tìm đến cái chết, nhưng cứ nghĩ đến những giọt nước mắt của mẹ khi hay tin hai anh trai hy sinh thì lòng tôi se lại. Tôi quyết định phải sống!

Tôi lần tìm đến những người già trong làng học cách làm ống điếu cho mẹ đem ra chợ bán. Làm được ống điếu rồi, tôi lại mò mẫm đi xin những vỏ lon sữa bò hiếm hoi trên vùng núi này về để đục thành những cái bàn mài sắn bán cho bà con. Nhờ tình thương của xóm làng nên hàng làm ra cái nào là bán hết cái đó.

Đầu năm 1980, sau bữa cơm chiều, tôi đưa ra một quyết định làm cả nhà bật ngửa: "Ngày mai con sẽ đi buôn!" .

Ngăn không được, chị tôi đành cử một đứa cháu đi theo dẫn đường cho tôi. Vì cháu tôi còn phải đến trường nên hai cậu cháu chỉ có thể đi lấy hàng mỗi tuần một chuyến vào ngày cuối tuần.

Lúc đầu tôi chỉ buôn hàng một chiều, lấy những thứ như bánh kẹo, xà phòng, muối... về bán lại cho bà con trong xã. Thấy vẫn còn sức, tôi lại thu gom nông sản của bà con gùi về thị trấn bán nên cũng kiếm được nhiều hơn. Tôi không còn bị mặc cảm là ăn bám nữa.

Khi nhu cầu đi xe đạp của bà con trong xã tăng lên, ngoài những thứ hàng tạp hoá như trước đây, tôi mua thêm phụ tùng xe đạp về bán. Những lúc rảnh rỗi, tôi lấy chiếc xe đạp cũ ra quờ quạng, mày mò học sửa xe. Bao nhiêu thất bại, cuối cũng tôi đã lắp ráp thành công chiếc xe đạp đầu tiên "made in Lại mù".

Năm 34 tuổi tôi xây dựng gia đình. Chuyện tôi đi hỏi vợ cũng không giống ai. Hồi đó, đi buôn tôi thường lấy hàng ở nhà Duyên (chị Hoàng Thị Duyên, vợ anh bây giờ - PV). Không ngờ, Duyên lại có cảm tình với tôi thật.

Khi tôi xin cưới Duyên, mọi người trong gia đình cô phản đối quyết liệt. Họ sợ Duyên khổ. Thuyết phục mãi không được, tôi đành liều đem sính lễ đến nhà Duyên, tự kề dao vào cổ mình và nói: “Nếu không cho tôi lấy Duyên thì tôi sẽ chết tại đây”. Gia đình Duyên hoảng quá đành chấp nhận.

Một năm sau ngày cưới, vợ tôi sinh được thằng cu, hiện nay nó học lớp 8. Hàng ngày tôi vẫn làm công việc sửa xe, làm vườn và bán cái quán nhỏ, không giàu nhưng cũng có cuộc sống ổn định…

Tôi kể câu chuyện này chỉ có một lời nhắn với những ai đã từng có ý nghĩ đoạn tuyệt với cuộc sống như tôi: "Cuộc sống không quay lưng với ai cả miễn là mình phải có quyết tâm sống. Và cố gắng hết sức mình sẽ vượt qua hết…"