Dân Việt

Dệt thổ cẩm Chăm pa và nỗi lo truyền nghề

04/10/2010 11:33 GMT+7
(Dân Việt) - Năm nay bà Thiên Thị Tào (ở khu phố Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận) 57 tuổi nhưng bà đã có đến 47 năm gắn bó với những bước thăng trầm của nghề dệt lụa thổ cẩm. Và đến bây giờ bà vẫn chưa hết trăn trở với nghề.

"Sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ hồi lên 10 tuổi tôi đã bắt đầu gắn cuộc đời mình với khung thêu với nghề dệt thổ cẩm. Với người con gái Chăm pa, khung thêu còn quan trọng hơn cả tính mạng của mình. Nên dù trong trường hợp nào người phụ nữ Chăm pa cũng phải bảo vệ cái khung thêu, khung dệt thổ cẩm" - bà Tào tâm sự.

img
Bà Tào và những thước vải thổ cẩm Chăm pa.

Sau 15 năm nay mày mò, học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu các mẫu mã mới, năm 1978 bà Nguyễn Thị Tào đã mạnh dạn cùng với 5 chị em trong xóm thành lập cơ sở dệt thổ cẩm Chăm truyền thống Caklaing.

"Những ngày đầu mới thành lập, 6 chị em chúng tôi đã được phải chịu rất nhiều áp lực của bà con trong xóm. Bởi với nhiều người Chăm pa nghề dệt thổ cẩm là nghề để rèn đức tính nhẫn nại, sự khéo léo cho con gái, vì vậy khi chúng tôi có ý định bán các sản phẩm này ra thị thường đã gặp rất nhiều khó khăn" - bà Thiên Thị Tào chia sẻ.

Sau 32 năm phát triển hiện nay cơ sở dệt thổ cẩm Chăm truyền thống Caklaing đã thu hút được sự tham gia của 22 thành viên. Các sản phẩm của cơ sở đã có mặt tại rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Đà Lạt, Đà Năng, Buôn Ma Thuột, Huế… và một số thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển nhiều người có xu hướng chuyển sang làm các nghề khác chứ không làm nghề dệt thổ cẩm. Điều này khiến việc bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống của Chăm pa gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù muốn mở rộng quy mô dạy nghề nhưng do không có kinh phí mua nguyên tơ, mua khung dệt cho các học viên dạy nghề nên rất khó tiến hành.

"Làm nghề từ lúc mắt còn sáng đến tận khi hai mắt đã lòa nhưng thực sự tôi vẫn chưa làm được gì nhiều cho nghề dệt thổ cẩm Chăm pa - bà Thiên Thị Tào tâm sự: Tất cả những gì tôi làm được đến thời điểm này chỉ là dạy nghề cho hơn 100 lao động. Đây là một con số quá ít so với nhu cầu thực tế. Trong thời gian tới tôi hy vọng làng nghề dệt thổ cẩm Chăm pa sẽ được đầu tư kinh phí để mở lớp dạy nghề, giới thiệu các sản phẩm của làng nghề ra xã hội, ra quốc tế để người làm nghề có thể sống đươc bằng nghề đã học".