Giám đốc kinh doanh phụ trách 2 resort cao cấp ở Huế cho hay, chị cảm thấy hứng thú khi được giới thiệu về phương thức hàng đổi hàng của một công ty chuyên làm về lĩnh vực này. Hiện phòng ốc ở đơn vị của chị không khai thác hết công suất, trong khi các chi phí in ấn, thiết kế, quảng cáo cứ dồn dập.
Những sản phẩm được trao đổi trên trang hàng đổi hàng. Ảnh chụp màn hình |
"Sau khi tìm hiểu, tôi quyết định tham gia và thấy nó rất hiệu quả. Thay vì phòng để không, tôi đã trao đổi để lấy dịch vụ in ấn của một công ty khác", chị Lê Thị Dạ Lam, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Pilgrimage và Vedana Resort ở Huế cho biết.
Cụ thể, chị Lam đã đăng ký làm thành viên của một trang đổi hàng trên mạng với hàng trăm doanh nghiệp cũng có nhu cầu này. Việc tạo tài khoản không mất phí. Sau khi điền đầy đủ thông tin, đưa sản phẩm cần trao đổi của mình lên rao, chị nhận được nhiều yêu cầu thực hiện giao dịch.
Theo đó, khách sạn có phòng trống muốn đổi lấy dịch vụ in ấn, công ty thiết bị văn phòng định đổi hàng tồn lấy phòng khách sạn hay nhà in có thể nhận thiết bị văn phòng. Khi thực hiện việc đổi xoay vòng thì cả 3 đơn vị trên đều có cái mình muốn và đẩy được hàng tồn.
Để thuận lợi, giá trị hàng hóa sẽ được quy đổi thành tiền "ảo". Ví dụ: khách sạn có 5 phòng trống, giá 200 USD một phòng, tính ra khách sạn sẽ có 1.000 USD tiền "ảo". Sau đó khách sạn hoàn toàn có thể dùng tiền này để mua lấy dịch vụ in ấn, hay tivi tồn kho, hoa tươi của một đơn vị khác... Như mua dịch vụ hoa tươi trị giá 200 USD, sau giao dịch hoàn thành, tài khoản của khách sạn trên mất 200 USD (còn lại 800 USD), đồng thời doanh nghiệp hoa tươi sẽ được thêm 200 USD.
Với mỗi giao dịch được thực hiện và hàng được giao tận nơi, đơn vị trao đổi phải trả 12,5% phí hoa hồng trên tổng giá trị đổi cho phía trung gian, phí này được thanh toán bằng tiền mặt.
"Tôi có công việc ở Huế cần ở khách sạn, lại phải thường xuyên ra đây, mỗi phòng giá khoảng 4 triệu đồng, đang tính toán thì nhớ tới vụ đổi hàng này vì mình cũng là thành viên. Để đỡ mất tiền mặt, mình dùng tiền "ảo" mua ngay khách sạn, chỉ phải trả khoảng 500.000 đồng phí hoa hồng", chị Vũ Thị Hoàng, Giám đốc Hương Việt Flower phân tích.
Chị Trịnh Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành CBSV, đơn vị làm về dịch vụ hàng đổi hàng cho biết ưu điểm của phương thức này là doanh nghiệp không mất tiền mặt, đẩy được hàng tồn kho, tìm thêm khách hàng mới...
"Trong thời điểm khó khăn hiện nay, việc dùng hàng đổi lấy hàng hay dịch vụ mình cần là điều doanh nghiệp cần tính đến. Mô hình này có ở các nước như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc... Chúng tôi luôn thẩm định kỹ để chọn lọc những thương hiệu uy tín tham gia", chị Hiền nói.
Hiện, chỉ tính riêng ở Việt Nam, CBSV có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia với 50 sản phẩm dịch vụ. Từ tháng 9.2012 đến nay, dịch vụ hàng đổi hàng này đã làm trung gian với tổng số tiền giao dịch lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Đánh giá tích cực về việc trao đổi hàng hóa khi doanh nghiệp đang khó khăn chồng chất nhưng theo một chuyên gia marketing, trên nguyên tắc, hàng hóa phải được quy thành giá trị tiền. Nếu dùng phương thức đổi sản phẩm thì sẽ quay về thời kỳ sơ khai "hàng đổi hàng".
"Điều này là không nên vì sẽ không kiểm soát được giá trị của hàng hóa", vị chuyên gia nhận xét.