Kết quả, Sở Y tế Quảng Ngãi giảm được khoảng 28 tỷ đồng (24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỷ (20%); Sở Y tế Hà Tĩnh giảm được khoảng 32 tỷ(25%); Sở Y tế Hậu Giang giảm được khoảng 57 tỷ (31%). So sánh giá thuốc trúng thầu của năm 2013 với năm 2012 của chính mặt hàng đó cũng giảm đi nhiều.
Đối với 10 loại thuốc thiết yếu đã giảm khoảng 5,6-35%, tiết kiệm khoảng 1,4 tỷ đồng. Có một số loại thuốc giảm giá rất mạnh như Cefuroxim (tên hoạt chất là Cefuroxim 500mg) giảm từ 4.950 đồng/viên (năm 2012) xuống còn 3.450 đồng, giảm 30,3%; thuốc Fascort (tên hoạt chất là Methyl Prednisolon 4mg) giảm từ 700 đồng xuống còn 400 đồng/viên (giảm gần 43%)…
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ so sánh khoảng 20 loại thuốc thì năm 2013 cũng đã giảm được 1,5 tỷ đồng so với năm 2012. Trong khi đó, toàn tỉnh có khoảng 2.000 thuốc cần mua.
Đây là lần đầu tiên các tỉnh thực hiện đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế theo quy định mới trong Thông tư 01 của Bộ Y tế. Thông tư 01 đã quy định rõ ràng về việc phân nhóm thuốc theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà máy sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, nếu cùng nhóm thuốc, cùng hoạt chất, cùng tiêu chuẩn nếu thuốc nào có giá rẻ nhất sẽ được trúng thầu.
Theo nhận định của ông Vũ Xuân Hiển - Trưởng ban Dược - Thiết bị y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), với thông tư mới, Bảo hiểm xã hội có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền thuốc mỗi năm. Tuy nhiên, ông Hiển nhấn mạnh, không thể tính giá thuốc giảm một cách máy móc với tất cả các loại thuốc. Vì trong danh sách thuốc BHYT có tới hơn 20.000 tên thuốc thương mại, 900 hoạt chất, sẽ có thuốc giảm giá nhiều, giảm giá ít hoặc không giảm giá.
Hiện mới có khoảng 10 tỉnh có kết quả đấu thầu thuốc theo thông tư mới và 7 tỉnh khác đang xây dựng. Tuy nhiên, do Thông tư 01 đến tháng 6.2013 mới có hiệu lực nên giá thuốc 6 tháng đầu năm 2013 vẫn theo quy định đấu thầu cũ.
Năm 2012, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi hơn 20.000 tỷ đồng tiền thuốc BHYT, chiếm 60% tổng chi phí BHYT. Tuy nhiên, khi giá dịch vụ tăng, số bệnh nhân có BHYT tăng thì năm 2013, tiền thuốc có thể ước tính tăng lên 40.000 tỷ đồng.
Diệu Linh