Người đứng đầu Bộ Y tế đặt vấn đề về sự xuống cấp y đức, yêu cầu các cơ sở y tế ngay lập tức phải “tập huấn” thái độ, kỹ năng ứng xử với người bệnh cho toàn thể cán bộ nhân viên y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái (Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Hà Nội): Y đức không phải “phát động” là có
Tôi vẫn thường nói với nhân viên cấp dưới mình: Bệnh nhân là người nuôi sống mình cần phải trân trọng, phải phục vụ họ hết lòng. Đó là trách nhiệm, là công việc, là miếng cơm manh áo. Nếu khám chữa bệnh mà có thái độ coi thường, sỗ sàng, ban ơn, qua quýt thì lần sau họ sẽ tìm đến nơi khác, như vậy, mình sẽ là người gánh chịu hậu quả.
Tuy nhiên, ở không ít nơi vẫn mang tư tưởng bao cấp, cho rằng bệnh nhân phải nhờ vả, xin xỏ mình khám chữa bệnh nên không cần phải phục vụ chu đáo. Nếu mình vui thì mình tử tế, mình mệt, mình bực mình, cảm thấy bị phiền hà thì sẽ mắng, cáu gắt, tiêm đau, khám qua loa, thậm chí bỏ mặc bệnh nhân đau đớn…
Tuy nhiên, y đức là xuất phát từ cái tâm, mỗi người khi chọn nghề y đã xác định cứu người là nghiệp của mình, chứ không đợi phải có phong trào, phải được “kích” bằng khẩu hiệu, bằng các quy định thì mới có thái độ nhã nhặn, lịch sự, biết ơn người bệnh.
Nếu có thể kéo “y đức” lên bằng phong trào thì sau khi phong trào lắng xuống chắc chắn nó cũng sẽ xuống theo. Trước đây đã từng có những quy định 12 điều y đức, 10 lời thề Hypocrat… do ngành y tế quy định. Nếu làm tốt những quy định này thì không cần có phong trào “nói lời cảm ơn bệnh nhân”.
TS Trần Tuấn (Giám đốc TT Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội KH&KT VN): Ba yếu tố khiến chất lượng y tế đi xuống
Khi bác sĩ thể hiện được sự thân thiện, đồng cảm với bệnh nhân sẽ tác động tâm lý rất tốt tới bệnh nhân, thậm chí có thể giúp họ nhanh khỏi bệnh hơn. Tuy nhiên, lời cảm ơn phải xuất phát từ tâm, từ sự chân thành, phải là khi người ta thấy thực lòng muốn cảm ơn. Còn nếu chỉ cảm ơn vì “phong trào” thì rất phản cảm. Hơn nữa, sự trân trọng bệnh nhân còn thể hiện qua cử chỉ, ánh mắt biểu cảm chứ không chỉ ở lời nói.
Theo tôi, ngành y tế nên tập trung trả lời câu hỏi: “Tại sao người dân lại mất lòng tin vào ngành y tế nghiêm trọng như vậy?”. Có 3 yếu tố khiến cho chất lượng y tế đi xuống và sự tin tưởng của bệnh nhân giảm sút. Đó là vấn đề khám chữa bệnh xảy ra quá nhiều tai biến, trong khi việc điều tra hầu như không minh bạch khiến người dân không thấy thỏa đáng.
Thứ hai, quá trình khám chữa bệnh quá nhiêu khê, nhiều thủ tục rườm rà. Trình độ chuyên môn tuyến dưới quá non kém nên người dân mới vượt tuyến lên trên, khiến bệnh viện quá tải. Tuy nhiên, thay vì giải quyết phần gốc, ngành y tế lại đổ lỗi cho bệnh nhân vượt tuyến, tìm cách chặn vượt tuyến bằng cách cấm các bệnh viện tuyến trên tiếp nhận bệnh nhân…
Thứ 3, những sự mất công bằng trong khám chữa bệnh đang diễn ra sờ sờ, vào viện phải đưa phong bì mới được khám nhanh, khám cẩn thận, có tiền mới được nằm chỗ tốt… Nếu cảm ơn xong mà hành vi khám chữa bệnh vẫn không chu đáo, thủ tục hành chính vẫn nhiêu khê thì người dân vẫn mất lòng tin vào ngành y tế.
Ông Phạm Vũ Thiên (Phó Giám đốc TT Sáng kiến sức khỏe và dân số): Đừng biến bệnh viện thành chợ
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhắc nhở ngành y tế “đừng biến bệnh viện thành cái chợ, người thầy thuốc là những con buôn”. Tôi nghĩ, khi bệnh viện biến thành “chợ sức khỏe” thì niềm tin của bệnh nhân vào ngành y tế chỉ còn đo bằng độ dày mỏng của phong bì (tiền).
Còn những người dân thường khám bệnh theo đúng quy trình thì thường có cảm giác đang được các bác sĩ, y tá ban ơn, được làm phúc. Họ bị bệnh nặng, nỗi lo tính mạng, viện phí, hạnh phúc gia đình đè nặng lên vai, họ đã khổ lắm rồi, nhưng đến viện lại bị y tá hay bác sĩ mắng, phải chờ đợi, vấp phải “bức tường” vô cảm của cán bộ y tế, thì họ sẽ càng khổ cực hơn.
Vì thế, nếu đội ngũ bác sĩ, y tá biết nói lời cảm ơn chân thành với người bệnh là một tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, thời gian mới trả lời được lời cảm ơn đó là vì phong trào, vì làm “đẹp mặt” bệnh viện hay vì quyền lợi thực sự của người bệnh.
Bà Đào Thị Nga (Lò Đúc, Hai Bà Trưng): Bác sĩ cảm ơn suông chưa đủ
Tôi là một viên chức, có thẻ bảo hiểm y tế nhưng rất ngại đi khám bảo hiểm. Có lần, tôi vào viện, vừa rụt rè hỏi thăm một nhân viên y tế ngồi ở bàn ngoài thì được hất hàm: “Khám gì”. Khi tôi trình bày dạo này bụng chướng, mệt mỏi, đau tức, bà ấy chỏng lỏn: “Biết rồi, sang phụ khoa”.
Bác sĩ phụ khoa yêu cầu tôi đi siêu âm. Sang phòng siêu âm, tôi lóng ngóng chưa biết làm thế nào thì bị quát: “Cởi hết ra chứ sao nữa. Chưa cởi cho ai xem bao giờ à?”.
Bác sĩ yêu cầu tôi nằm nghiêng, nằm ngửa. Nhưng vừa xoay thì lại nghe mắng: “Giời ơi, thế này mà cũng là nằm nghiêng à… học hết đại học rồi mà nằm nghiêng cũng không biết, các ông các bà thấy không”, khiến mấy chị trong phòng cười ồ. Tôi nằm trên bàn, chỉ muốn độn thổ.
Còn khi tôi vào viện tư, tôi được nhân viên mời vào chỗ ngồi, đón lấy sổ khám đặt hộ tôi vào khay, mời tôi uống nước, bác sĩ siêu âm cũng nhẹ nhàng, cười nói vui vẻ đầy sự thông cảm. Tiền khám tư gấp 10 lần khám công, nhưng tôi thấy vơi đi sự đau đớn, mệt mỏi.
Vì thế, tôi nghĩ, nếu bác sĩ cảm ơn bệnh nhân theo phòng trào thì chưa đủ. Mà phải ngấm được tinh thần và trách nhiệm của một “từ mẫu”. Mà một từ mẫu phải biết đặt nỗi đau của người bệnh lên trên.
Tuấn Kiệt (ghi)