Dân Việt

“Cởi trói” cho con trưởng

06/10/2010 15:00 GMT+7
(Dân Việt) - Bài viết “Nhọc lòng con trưởng, con thứ” trên nhận được sự quan tâm và đồng tình của đông đảo bạn đọc khu vực nông thôn. Một số ý kiến cho rằng mọi thành viên trong họ tộc cũng phải có quyền và nghĩa vụ bình đẳng.

Con thứ cũng có thể lo việc dòng tộc

Dòng họ Lê Viết (xã Hoằng Lộc, Hoằng Hoá) là một trong số ít dòng họ nho giáo, có truyền thống hiếu học ở Thanh Hoá với 10 đời được giải trong các cuộc thi đình, thi hương, thi hội… trong gia phả dòng họ, những năm chiến tranh chống Mỹ, ông trưởng tộc tuy mới 19 tuổi nhưng đã tình nguyện lên đường nhập ngũ.

img
Gia đình hạnh phúc của bà Minh Tâm.

Thế rồi trưởng tộc hy sinh, nhà độc đinh nên phải giao việc hương hoả cho một ông chú ở cành dưới. Qua đó để thấy rằng, việc hương hoả của một dòng tộc không cứ nhất thiết phải trưởng họ làm. Con cháu trong họ đều có nghĩa vụ phải thờ tự tổ tiên.

Quán triệt tư tưởng ấy, ông trưởng tộc Lê Viết Luân chia sẻ quan điểm: “Không cứ gì trong dòng tộc, ở gia đình cũng thế. Con nào cũng là con, cha mẹ phải đối xử bình đẳng với tất cả con cái, con cái có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Không cứ trai gái, trưởng, út… đều phải chung tay lo toan cho bố mẹ”. Mỗi lần anh em họ mạc sum họp ngày giỗ tổ, ông lại răn dạy con cháu như vậy.

Dòng họ Lê Viết cũng không đặt “gánh nặng” lên vai con trưởng. Ông Luân nêu thực tế: “Giờ thanh niên lớn lên là nhao ra thành phố học hành, làm ăn. Mà các cháu đã đi, ít người quay về. Nếu đặt nặng vấn đề con trưởng phải ở quê giữ gìn hương hoả, chăm sóc cha mẹ thì vô hình chung làm mất cơ hội phát triển của con trưởng. Ngoài ra, cách nghĩ này cũng làm cho con thứ ỷ lại”.

Bà Nguyễn Minh Tâm ở Cát Bà (Hải Phòng) là trưởng nữ. Cha mẹ không có con trai nên bà chăm lo cho bố mẹ, lo việc hương hoả cho cả bên nội, ngoại. Bà luôn coi đây cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của một người con trong gia đình. “Con trai, con gái giờ cũng đều phải chăm lo cho cha mẹ. Nếu cứ áp đặt phải là con trai, và phải là con trai trưởng mới có trách nhiệm thì vừa cổ vũ chuyện trọng nam khinh nữ, vừa tạo gánh nặng tinh thần cho con trưởng” - bà Tâm nói.

Nghĩa vụ phải xuất phát từ cái tâm

Theo ông Vũ Văn Hướng, khi “thoát ly” được chuyện con trưởng, con thứ thì các con đều có thể ra ở riêng chứ không nhất thiết con trưởng phải ở với cha mẹ: “Với người già chúng tôi, cuộc sống này hơi buồn nhưng đỡ mâu thuẫn thế hệ. Đó cũng là cách để cho con cái tự lập, dù là trưởng hay thứ”.

Không riêng dòng họ Lê Viết, nhiều dòng họ, gia đình ở quê đã bắt đầu “cởi trói” cho con trưởng. Cách ứng xử này vẫn giữ được nét đẹp trong việc tổ chức gia đình và giáo dục con cháu. Nhờ vậy mà con cháu tự giác thực hiện các công việc trong gia đình với cái “tâm” rất lớn.

Dòng họ Nguyễn Văn ở Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) cũng vậy. Anh Nguyễn Văn Minh - trưởng nhánh họ đời thứ 4 cho biết:

“Gia đình tôi có 3 trai, 1 gái. Giờ anh trưởng đang ở Hà Tĩnh, lấy vợ sinh cơ lập nghiệp ở đấy; 2 con trai sau đang ở Hà Nội. Quê nghèo, giữ chân anh trưởng ở nhà chỉ làm bế tắc thêm cuộc sống. Giờ nhà tôi chỉ còn cô con gái út lấy chồng gần chạy qua chạy lại chăm sóc bố mẹ. Tôi không nghĩ con trưởng hay con thứ quan trọng, mà quan trọng là các cháu sống, đối xử với cha mẹ thế nào”.

Gia đình ông Vũ Văn Hướng (Mê Linh, Vĩnh Phúc) cũng từng “mâu thuẫn” vì con trưởng, con thứ. Vì ông bà đông con (6 người) nên cô cậu nào cũng tỵ nạnh nhau nuôi bố mẹ. Người con thứ 3, nhưng là con trai trưởng trong nhà, nhất định đòi anh em phải đóng góp tiền nuôi bố mẹ. Ông bà tức mình dồn hết tiền mua mảnh đất ở quê về sống cho gần với họ mạc.

Chưa đầy 2 năm, nhà mà ông bà ở lại nằm trong diện quy hoạch mở đường quốc lộ nên giá đất cứ tăng vèo vèo. Lúc đó, cả con trưởng, con thứ đều giành nghĩa vụ nuôi cha mẹ nhưng ông bà một mực từ chối. Ông bảo: “Chúng muốn chăm nuôi tôi vì cái tâm thì ít mà vì “quyền” với mảnh đất này thì nhiều”.