Dân Việt

Lũ chậm, cây lúa bị hành hạ

07/10/2010 08:23 GMT+7
(Dân Việt) - Năm sau, dù có may mắn thoát khỏi họa chuột, họa sâu rầy thì một vụ lúa thất thu đang sẽ chờ đón người dân vùng lũ muộn.

Bị ép duyên

Thằng bé chỉ khoảng 13 tuổi chạy theo chiếc máy bừa, chân nó nhảy loạn trên những vết bừa vừa đi qua. Lát sau, nó bỏ lên bờ gào tướng lên: "Ba ơi! Đau chân lắm, không đạp rạ nữa đâu", ba nó cười: "Thôi nghỉ tay rồi ăn cơm đi con". Hai cha con, cha Minh - con Nghĩa ăn cơm ngay đầu bờ ruộng xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, Long An.

img
Một cánh đồng chết ở Cần Đước (Long An).

Người cha phân trần: "Không phải nó nghịch ngợm chi đâu, nó giúp tôi đạp rạ đó". Hóa ra, những gốc rạ vẫn còn xanh, bừa xong phải nhận chúng xuống bùn để cho chúng chết hẳn và phân hủy. Mọi năm, lũ làm thay cho Nghĩa việc này, ngâm dưới nước vài tháng, gốc rạ cùng cây cỏ đều bị hoại mục hết.

Năm nay, giữa cánh đồng chỉ lấp xấp nước, các gốc rạ cùng cây cỏ càng được thể vươn cao lên như để trêu ngươi. Khắp các cánh đồng mà chúng tôi đi qua, những chiếc máy cày khó nhọc leo qua các bờ ruộng cao để chạy đua cùng con nước.

Không chỉ ở đây, khắp vùng Đồng Tháp Mười, các hộ dân xuống đồng gieo sạ trong một không khí bùi ngùi. Khi gieo sạ họ đã tiên liệu về một mùa lúa thất thu. Dám chắc điều ấy, bởi năm nay, lúa gieo sạ sớm hơn một tháng so với thường lệ, khi lúa làm đòng sẽ không gặp đúng tiết xuân để đơm bông kết hạt.

Người nông dân buộc phải làm điều tréo ngoe như "tự chặt tay mình" đơn giản cũng vì lũ "đẹt". Nước trên các cánh đồng đã bắt đầu rút, nếu không gieo sạ ngay bây giờ, chỉ một thời gian ngắn nữa, các cánh đồng sẽ khô khốc, không thể xuống giống nổi. Một vụ lúa kém năng suất là không thể tránh khỏi.

Không chỉ thế, lúa xuống giống sớm sẽ là môi trường lý tưởng cho sâu rầy có đường dẫn để đến chính vụ, chúng sẽ bung ra tàn phá và mùa đói của đàn chuột sẽ được rút ngắn đi.

Dùng thuốc độc thay cho thuốc bổ

Nếu không có một hiện tượng thời tiết đặc biệt nào thì có thể nói lũ đã rút. Mùa lũ đã trôi qua, sự ngóng chờ con nước muộn của người nông dân ĐBSCL đã biến thành nỗi vô vọng.

Không chỉ bị "ép duyên", phải xuống giống sớm mà cây lúa vùng lũ năm nay không có được lượng phù sa như mọi năm, thay vào đó nó phải chịu sự nhiễm mặn.

Đó là quy luật muôn đời của cây lúa vùng ĐBSCL, nhưng trong hoàn cảnh cấp thiết của mùa lũ muộn này, đã đến lúc phải có cái nhìn nghiêm túc về những can thiệp mang tính chủ quan duy ý chí của con người vào vùng lũ.

Những con đê nhằm mục đích ngăn mặn xâm thực được xây dựng trước đây thực sự đã khiến cho việc nhiễm mặn càng tăng cao, không thể khắc phục nổi, biến nhiều vùng đất tại đây thành các vùng đất "chết". Xảy ra hiện tượng này bởi thay vì ngăn mặn, các con đê lại chính là các điểm chốt giữ mặn cho vùng đồng bằng, mỗi khi lũ về, con nước rửa mặn, phèn cho vùng đồng bằng bị ngăn lại.

Theo một nghiên cứu của khoa Nông nghiệp thuộc Trường ĐH An Giang, khi đê bao hoàn tất thì sau 2 năm, năng suất giảm 7,2 tạ/ha trong vụ đông xuân và 3,2 tạ/ha trong vụ hè thu. Sau 4 năm thiệt hại này tương ứng là 10,9 tạ và 2,4 tạ, sau 6 năm con số tương ứng là 10,9 tạ và 3,9 tạ

Anh Nguyễn Văn Của, ấp 1, xã Phước Tuy, Cần Đước, Long An cho biết, sau khi con đê ở đây được đắp vào năm 1991, vùng đất này bị nhiễm mặn, phèn nặng. Trước khi có đê, năng suất lúa đạt khoảng 2 tấn/ha nhưng bây giờ nó đã là vùng đất không thể canh tác nổi. Cùng chung số phận với mảnh đất nhà anh Của, vùng đất sát con đê ngăn mặn này cũng biến thành vùng đất chết. Theo ông Nguyễn Văn Đông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Cần Đước, vùng đất chết này có diện tích gần 1.000ha, sau nhiều năm khắc phục, vẫn còn một nửa không trồng trọt được.

Trạm tự đo mực nước Tân Châu, nơi cuối chúng tôi đến trong đợt công tác có một thông tin buồn cho toàn vùng lũ. Ông Lê Thành Sơn - Trạm trưởng cho biết: "Mực nước cao nhất đo được là 2,86m (hơn mực nước thấp lịch sử năm 1998 đúng 5cm) và đã bắt đầu giảm dần. Nếu không có một hiện tượng thời tiết đặc biệt nào thì có thể nói lũ đã rút". Mùa lũ đã trôi qua, sự ngóng chờ con nước muộn của người nông dân ĐBSCL đã biến thành nỗi vô vọng.

Đã đến lúc cần thiết có những chính sách, hỗ trợ cho người dân sau mùa lũ "đẹt". Cần thiết phải có một chính sách riêng cho nông nghiệp, nông thôn vùng lũ. Cần mạnh dạn tỉnh táo đánh giá và sửa chữa những sai lầm do sự tác động nóng vội của con người vào vùng châu thổ rộng lớn này. Bởi lũ không về là một thiên tai lớn mà thiên nhiên giáng xuống cho vùng ĐBSCL.

Hãy làm ngay dù nó đã muộn rồi!