Dân Việt

Người thương binh 22 lần cắt xương và cảnh nhà đầy nước mắt

08/10/2010 13:35 GMT+7
(Dân Việt) - Bây giờ mà ở phố núi Pleiku (Gia Lai) vẫn có người ở nhà ván. Thấp tè, cóc cáy, vá víu đủ chỗ, căn nhà ngó ra một con đường đẹp - đường Thống Nhất, người qua kẻ lại ít nhiều nhòm ngó. Thế nhưng mấy ai biết cảnh đời đau xót đến cùng cực của những con người sống dưới mái nhà này...

Người thương binh 22 lần cắt xương

Khi tôi đến, Nguyễn Thế Hùng đang loay hoay quấn lại chiếc mô tơ điện bị cháy bằng những dụng cụ tự tạo. Bàn tay trái chỉ còn một ngón khiến anh cứ trầy trật với đống dây nhợ lằng nhằng.

 img
Anh Nguyễn Thế Hùng làm việc trong xưởng tự tạo của mình

Công việc chả có gì là phức tạp với một người thợ lành nghề như anh, vậy mà mồ hôi trên trán Hùng túa ra đầy vẻ nặng nhọc… Vừa làm Hùng vừa kể cho tôi nghe nỗi cơ khổ của gia đình - khiến anh bây giờ đang như một con bò kéo cỗ xe ngược dốc mà vẫn cố tạo ra hy vọng để sinh tồn…

Năm 1986, lúc vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Thế Hùng nhập ngũ, phiên chế thuộc Sư đoàn 471 Quân khu V. Làm nhiệm vụ Quốc tế ở Campuchia được gần 2 năm thì Hùng bị thương. Anh được đơn vị cho xuất ngũ, hưởng chế độ trợ cấp vĩnh viễn…

Mang thương tích trở về nhà, không may cho Hùng là đất làm rẫy bấy nay của gia đình nằm trong quy hoạch trồng cao su nên bị thu hồi hết. Ông anh cả phải xoay sang làm thợ hồ. Đứa em trai kế cũng theo anh cả. Các em gái thì chạy chợ lặt vặt. Mỗi người mỗi kế sinh nhai để tồn tại, và đều giống nhau ở sự nghèo khổ. Tuy thế, so với Hùng, họ vẫn còn may chán.

Ở đời “giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay" nên Hùng biết, đời mình chẳng thoát được cảnh “khó” bởi tay trái của anh chỉ còn mỗi ngón. Thêm nữa, với trình độ văn hoá mới hết lớp 2, Hùng tự đặt câu hỏi “tìm phương gì để sống” và loay hoay mãi vẫn chưa có câu trả lời. Sau nhiều đêm trằn trọc suy tính, Hùng quyết định làm thợ sửa điện nước… Nói thế cho oai, thực ra anh chỉ là một thứ "thợ đụng".

Mày mò đọc sách, Hùng chỉ sửa chữa được những hỏng hóc thông thường trong phạm vi mạng điện nước gia đình. Cứ ai gọi đâu thì làm đấy. Đã là "thợ đụng", tính Hùng lại rộng rãi, gặp nhà nghèo mà hỏng hóc nhỏ, anh sửa giùm luôn không lấy tiền công. Thế nên tháng gặp hên thì thu nhập của anh cũng không quá triệu bạc. Cộng với phụ cấp hơn triệu nữa, chừng ấy mà phải xẻ ra bao nhiêu là sự chi tiêu…

Bị thương lúc còn trẻ, cơ thể chưa ngừng phát triển nên mỗi năm Hùng lại phải mổ một lần để cắt xương. Tính ra anh đã cắt xương 22 lần tất cả ! Có được bao nhiêu tiền, đổ vào đấy hết…

Hùng kể, mỗi lần lên bàn mổ là anh phải khoác theo bao nỗi lo toan. Tiền thuốc men đã đành, lại còn lo tiền ăn uống cho cả gia đình trong những ngày mình nằm một chỗ điều trị. Nhiều bận mổ, khi vết thương chưa kịp liền da, Hùng đã phải tất tả với công việc vốn nặng nhọc của mình. “Em mà không làm thì cả nhà em chết đói!” - Hùng tâm.

Trò đùa của số phận

Cao xanh như muốn trêu ngươi, bày trò để đùa giỡn với người đã có quá nhiều bất hạnh, khổ cực là Hùng. Cách đây 2 năm, một lần đi viện nuôi em, thấy dạo này mình bị đau đầu, Hùng tranh thủ khám luôn. Thế nhưng, kết quả ấy đã khiến Hùng hốt hoảng. Các bác sĩ bảo anh bị u tuần hoàn não.

 img
Nguyễn Thế Hùng, mẹ và cháu trai

Được biết, để chữa khỏi căn bệnh quái ác này thì phải cần không dưới 70 triệu đồng… Hùng nghe như sét nổ bên tai. Số tiền ấy có lẽ đến kiếp sau anh mới có. Chả còn cách nào hơn thì chọn liệu pháp nhà nghèo: Cứ mỗi lần lên cơn, Hùng lại mua thuốc giảm đau uống…

Đến thế có lẽ cũng đã đủ cảm thán cho số phận một con người. Vậy mà chưa hết: Mới đây đứa em kế của Hùng là anh Nguyễn Thế Lánh bị tai nạn giao thông phải mổ não. Di chứng vụ tai nạn khiến Lánh chỉ còn ngồi một chỗ, không nói cũng chẳng cười. Thấy cảnh nhà, cảnh chồng bi đát, vợ Lánh bỏ nhà đi để lại đứa con mới 22 tháng tuổi…

Một mẹ già 80 tuổi, một đứa em tật nguyền, một cháu trai thơ dại - toàn bộ gánh nặng bây giờ dồn lên vai người thương binh Nguyễn Thế Hùng… Đã 45 tuổi, Hùng vẫn chưa một lần biết đến yêu đương. Đúng hơn thì chưa một người con gái nào dám đến với Hùng. Có lẽ họ ngại anh nghèo, ngại cả cảnh nhà…

“Lời nguyền” đau đớn

Chả hiểu từ đâu dân Pleiku vẫn có "lời nguyền" rằng - đất này chỉ "phù" người mới. Họ viện dẫn những khu cựu dân dưới các con hẻm đường Lê Lợi, Sư Vạn Hạnh… Có người đến Pleiku trước những năm 1945 giờ vẫn cứ nghèo. Nếu "lời nguyền" này là có thực trong một xác suất nào đó thì vợ chồng bà Trương Thị Diệm (mẹ của anh Hùng) là người được kể…

Đã 45 tuổi, Hùng vẫn chưa một lần biết đến yêu đương. Đúng hơn thì chưa một người con gái nào dám đến với Hùng. Có lẽ họ ngại anh nghèo, ngại cả cảnh nhà…

Vốn quê gốc ở Quảng Bình, vợ chồng bà Diệm lên Pleiku từ những năm 1954. Xoay xở đủ đường, hơn nửa thế kỷ rồi, cuộc sống vẫn cứ ngưng đọng thế… Nghèo, sự đã đành một lẽ, những đứa con của ông bà lại gần như ai cũng mang lấy một nỗi bất hạnh…

Người con cả Nguyễn Thế Ty, năm nay đã trên 50 vẫn chưa vợ con gì. Ông làm thợ hồ. Sùng Phật, coi dương gian là kiếp phù du, ông Ty chăm lễ chùa, công việc tuỳ hứng được đâu hay đó mà cũng chẳng màng gì đến nỗi khổ, nghèo của gia đình…

Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thế Lánh thì đã kể. Sau Lánh là Nguyễn Thị Lợi. Học hành đã chẳng nên, buôn bán lặt vặt để sinh nhai, thế nào lại dính vào chuyện hụi họ và vỡ nợ. Mấy năm nay Lợi phải bỏ xứ, chẳng rõ lưu lạc phương nào… Vợ chồng bà Diệm được cô gái út Nguyễn Thị Thanh có chút học hành, đã trở thành nhân viên của Sở Tài nguyên - Môi trường thì cách nay 2 năm bị bệnh ung thư và qua đời, để lại cho chồng 2 đứa con trong cảnh tang tóc nghèo khó…

Ấy vậy nhưng xem ra Nguyễn Thế Hùng không muốn đầu hàng cái gọi là số phận ấy… Hùng kể rằng đã từ lâu anh muốn tách ra để lo liệu cho cuộc sống của riêng mình.

Năm 2000, Hùng đã làm đơn gửi UBND phường Diên Hồng xin cấp đất. Ủy ban trả lời là chưa có đất, hãy chờ. Hùng chờ đến 10 năm sau lại làm đơn gửi Ủy ban phường Ia Krin xin lần nữa. Lại được trả lời chưa có đất, hãy chờ…

Và bởi thế mưu sự của Hùng cho một cuộc sống riêng mình xem ra vẫn chỉ là niềm hy vọng mong manh. Phải chăng cái bận rộn của cuộc sống bây giờ đã khiến quá nhiều người trở nên vô cảm?