Dân Việt

Mỹ thổi phồng mối nguy hiểm về khủng bố

09/10/2010 09:04 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 8-10, các tờ báo lớn ở châu Âu đã đăng các bài phanh phui sự thật về nguy cơ khủng bố tại châu lục này, cáo buộc Mỹ thổi phồng mối nguy hiểm để biện minh cho những hành động bí mật gần đây.
img
Tháp Eiffel (Pháp) hai lần bị đe dọa đánh bom từ những cú điện thoại nặc danh.

 

Dân châu Âu vỡ tim

Vụ “loan tin” được bắt đầu khi Kênh truyền hình Sky News của Anh cuối tháng 9 vừa qua dẫn “các nguồn tin tình báo” cho biết một tin sốc: Hàng loạt âm mưu khủng bố đồng thời tại Thủ đô London (Anh) và các thành phố lớn của Pháp, Đức đã bị phát hiện và phá vỡ.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3-10 cũng đã cảnh báo công dân nước này về nguy cơ khủng bố cao tại Tây Âu, trong đó có Pháp, Đức và Italia. Cảnh báo trên của Sky News và Bộ Ngoại giao Mỹ xem ra có lý, bởi Thủ đô Paris của Pháp lúc đó liên tiếp nhận được những cú điện thoại nặc danh đe dọa đánh bom Tháp Eiffel và ga xe điện ngầm.

Không chỉ có Sky News, một số tờ báo uy tín của châu Âu, như Tuần báo "Tấm gương" (Der Spiegel), và cả Cơ quan tình báo Anh cũng đồng loạt tiết lộ thông tin về các âm mưu khủng bố tại châu lục này.

Tờ “Tấm gương” cho biết, tên Al-Mauretani, nhân vật số 3 của tổ chức khủng bố al-Qaeda, đã lên kế hoạch phát động các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các thành phố châu Âu theo kiểu các cuộc tấn công đẫm máu mà chúng đã gây ra tại Mumbai của Ấn Độ hồi cuối năm 2008.

Còn tình báo Anh nói rằng, họ đã thu được những cuộc đàm thoại liên quốc gia giữa các thuê bao ở Pakistan và Anh, trong đó những kẻ âm mưu khủng bố thảo luận về kế hoạch thực hiện các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Anh, Pháp và Đức.

Thông tin của tình báo Anh cũng được cho là đáng tin cậy, bởi nhiều người biết rằng các cơ quan phản gián Anh và Mỹ - quốc gia hiện có guồng máy tình báo lớn nhất thế giới - là hai đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong lúc đó, ngày 3-10, một phát ngôn viên của Ủy viên châu Âu phụ trách nội vụ cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã phối hợp với Mỹ theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh tại châu lục này, sau khi nhận được khuyến cáo từ chính quyền Mỹ về nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các nước châu Âu.

Lúc này người dân châu Âu đã bắt đầu hoang mang, lo sợ, đến mức nhiều người không dám đến những nơi công cộng. Nhiều trung tâm mua sắm đông người ở Anh, Pháp, Đức đã vãn hẳn bóng khách trong khi sự hiện diện của cảnh sát lại dày đặc. Lực lượng an ninh của 3 nước này được đặt trong tình trạng báo động cao độ.

Một chiến dịch tốn kém hàng triệu Euro đã được lãnh đạo 3 quốc gia trên phê duyệt, với quyết định huy động hàng nghìn nhân viên an ninh, mật vụ giám sát các địa điểm tình nghi sẽ là nơi diễn ra đánh bom khủng bố. Tâm trạng lo sợ của người dân, cộng thêm lệnh siết chặt an ninh đến nghẹt thở của lực lượng cảnh sát đã phủ lên các thành phố lớn của châu Âu một bầu không khí ngột ngạt, hoảng loạn.

Đâu là sự thật?

Ngày 8-10, tờ "Người bảo vệ" (Guardian) của Anh đã “nổ phát súng” đầu tiên nhằm vào những khuyến cáo của Mỹ về nguy cơ khủng bố, khi dẫn lời Đại sứ Pakistan tại Anh Shamsul Hasan nói rằng, việc Mỹ cảnh báo các công dân nước họ không nên du lịch tới châu Âu do lo ngại các vụ tấn công khủng bố có thể mang “động cơ chính trị”.

Các phi vụ tấn công của Mỹ bằng máy bay không người lái được bắt đầu vào tháng 6-2004 với sự thỏa thuận một cách “miễn cưỡng” của chính quyền Pakistan. Tuy nhiên, hiện nay, sự thật là các vụ tấn công này đang ngày càng xâm phạm chủ quyền của Pakistan và nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ nước này. Đại sứ Pakistan tại Anh Shamsul Hasan nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét lại quá khứ (ám chỉ việc ký thỏa thuận với Mỹ) và không được phép để sai lầm tiếp tục xảy ra”.

Đại sứ Hasan ám chỉ rằng, quyết định ban bố cảnh báo này - tiếp sau những thông tin nói rằng các phiến quân tại Pakistan đang có âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào châu Âu - chắc hẳn bị ảnh hưởng bởi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng tới ở Mỹ.

Tờ báo dẫn lời ông Hasen nói: "Tôi sẽ không phủ nhận việc có thể có động cơ chính trị bên trong lời cảnh báo đó, trong đó có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Nếu người Mỹ có thông tin chính xác về những tên khủng bố và các phần tử al-Qaeda, chúng tôi phải được biết và chính chúng tôi có thể truy bắt chúng".

Ông nhấn mạnh rằng, những cảnh báo không chính xác của Mỹ đã đẩy Anh, Pháp, Đức và các nước châu Âu khác vào tình trạng báo động an ninh không cần thiết, nhằm biện minh cho sự gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và trực thăng vào lãnh thổ Pakistan trong thời gian gần đây.

Khi tham dự cuộc họp các bộ trưởng tư pháp và nội vụ 27 nước Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) ngày 7-10, điều phối viên của EU về chống khủng bố, ông Jille de Kershov đã bất ngờ tung ra tuyên bố:

“Không có nguy cơ khủng bố toàn châu Âu”. Theo ông Kershov, mức độ nguy cơ khủng bố trên lãnh thổ các quốc gia EU do nhà chức trách mỗi nước xác định, chứ không có nguy cơ khủng bố toàn châu Âu. Trong khi đó, các cơ quan chống khủng bố châu Âu đã khẳng định rằng, cảnh báo về những âm mưu đánh bom tại châu Âu là “hoàn toàn vô lý”.

Còn cơ quan tình báo châu Âu không phủ nhận hoàn toàn các nguy cơ khủng bố đến từ al-Qaeda, song họ cũng tỏ ý nghi ngờ động cơ thật sự của Mỹ khi đưa ra những khuyến cáo như vậy. Ngày 8-9, vụ công dân Anh Abdul Jabbar thiệt mạng trong một vụ oanh kích của máy bay Mỹ, cùng với hàng loạt vụ giết chóc “nhầm” của Mỹ tại Pakistan đã làm dấy lên trong dư luận quốc tế về tính hợp pháp của các cuộc tấn công này.

Các quan chức EU một lần nữa đặt câu hỏi rằng: Liệu nguy cơ khủng bố mà Mỹ cảnh báo phải chăng là sự ngụy biện cho các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào thường dân vô tội? Ông Thomas de Maiziere - Bộ trưởng Nội vụ Đức, đã công khai bày tỏ sự hoài nghi của mình về những cảnh báo khủng bố của Mỹ. Ông cũng khẳng định không hề nhận thấy có dấu hiệu của một cuộc tấn công sắp xảy ra tại Đức, mà những mối nguy hiểm này chỉ là “giả thuyết”.