Những bản tình ca bất hủ
Đối với vợ chồng bà Chiêm Ái Thôn ở khu Thụy Cảnh (Trung Quốc), những bài tình ca, và nhất là bài hát “Đông Phương Hồng” không chỉ là những ký ức tuổi trẻ, mà những giai điệu cũng như lời bài hát còn gắn liền với tình yêu của hai người. Thậm chí, bài tình ca ấy là bài hát đã cứu sống người chồng của bà thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo.
Chiêm Ái Thôn và chồng bà năm nay đều 61 tuổi, hai người tới từ khu Long Nham Tân La (Trung Quốc). Khi nhắc tới chuyện tình yêu của mình, bà đã đỏ mặt và cho biết họ quen nhau khi ở đội tuyên truyền. Hồi ấy, ông ấy biết kéo đàn nhị, thổi sáo còn bà thì hát rất hay. Cứ thế ông đàn bà hát, dần dần họ yêu nhau lúc nào không ai biết.
Năm 21 tuổi, ông bà đã cảm thấy cuộc sống không thể thiếu nhau, họ luôn ở bên cạnh nhau và tận hưởng cảm giác yêu thương qua những giai điệu ngọt ngào của bài hát. Họ quyết định tổ chức lễ cưới trong sự cổ vũ, động viên của tất cả những người thân và bạn bè xung quanh.
Sau khi cưới nhau, ông làm thêm nghề mộc để kiếm tiền còn bà ở nhà làm nội trợ. Thời gian rảnh rỗi, hai ông bà vẫn dành thời gian để đàn hát cho nhau nghe. Họ vẫn tình tứ bên nhau, thể hiện tình yêu dành cho nhau qua từng nốt nhạc, từng câu hát.
Hàng xóm cũng như những người thân bên cạnh ông bà đều nói rằng, cả hai người rất hiếm khi to tiếng với nhau. Hai ông bà suốt 40 năm chung sống, họ chỉ cãi nhau có 4, 5 lần, đấy là một điều kỳ diệu mà không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể làm được.
Mặc dù kinh tế khó khăn, cuộc sống cũng đầy những lo toan vất vả nhưng không vì thế mà cả hai làm mất đi những dư vị ngọt ngào của tình yêu, những thói quen thể hiện tình yêu của cả hai người qua những bài hát nhạc đỏ.
Tình yêu thương cứu sống được một con người
Những tưởng hạnh phúc cứ mãi kéo dài đối với hai ông bà Chiêm Ái Thôn, nhưng không may, năm 2004, tai nạn đã ập xuống gia đình bé nhỏ của ông bà. Ông bị một chiếc xe tải tông vào người khi đang lái xe máy đi làm mộc.
Não của ông bị ảnh hưởng nặng và được đưa đến bệnh viện số 1 thành phố Long Nham trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Sau 10 ngày điều trị mà ông vẫn không có dấu hiệu tỉnh lại, các bác sỹ đã khuyên gia đình nên chuẩn bị sẵn tinh thần.
Sau khi nhận được tin xấu từ các bác sỹ, bà Chiêm vẫn không thể tin vào sự thật và vào những gì gia đình bà đang phải trải qua. Ông nằm đó bất tỉnh, bà chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm các phương thuốc có thể giúp ông hồi phục. Tất cả đều đường như đang chống lại bà và không muốn ông bà được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Trước những thách thức khó khăn, người phụ nữ thường ngày vốn yếu đuối như bà Chiêm bỗng trở nên kiên cường lạ thường. Ban đầu bà cũng cảm thấy rất sợ hãi và thường xuyên khóc một mình, nhưng sau vài ngày bà đã bình tĩnh lại.
Bà tự nhủ bản thân phải thật mạnh mẽ để làm gương cho các con. Bà động viên các con mình rằng, có nhiều người sống thực vật đã tỉnh lại một cách kỳ diệu và bà tin điều kỳ diệu đó cũng sẽ xảy ra với chồng mình.
Bà tận tụy chăm sóc ông hàng ngày, cuộc đời hai ông bà chưa bao giờ làm một điều gì trái với lương tâm con người nên bà vẫn tin vào số phận. Có chăng số phận chỉ trêu đùa cũng như thử thách tình cảm của hai ông bà chứ không thể nào lại phũ phàng và cay nghiệt đối với họ.
Chính vì vậy mà bằng những cảm nhận của mình, bà càng tin tưởng rằng ông sẽ bình phục trở lại, hai ông bà lại được cùng nhau tận hưởng hạnh phúc đến cuối đời.
Bà Chiêm và các con đã phân công nhau chăm sóc ông. Ông bị thương vào đúng những ngày lạnh giá nên hằng ngày, bà không chỉ bón cho ông ăn mà còn phải ủ ấm chân cho ông. Bà dành thời gian để xoa bóp chân tay cho ông suốt đêm.
Bà nói rằng, được ở bên cạnh và chăm sóc chồng là một điều hạnh phúc nhất đối với bà trong lúc này. Bà mong ông hiểu được tấm chân tình của bà, hiểu được những tình cảm của bà dành cho ông và mong muốn nhận được những tình cảm yêu thương từ ông.
Những lúc ở bên cạnh giường bệnh của ông, bà Chiêm vẫn nói chuyện với ông, kể cho ông nghe những câu chuyện tình, bà thông báo cho ông mọi việc đang diễn ra trong cuộc sống và trong gia đình mình. Chuyện các con, các cháu đang ngày đêm mong ông tỉnh lại.
Trong những lúc chăm sóc ông, bà không quên thầm hát bài hát “Đông Phương Hồng” và nhiều bài hát nhạc đỏ khác mà hai ông bà vẫn hay hát cho nhau nghe trước đây, cho dù biết ông không nghe thấy gì. Cứ ngày này qua ngày khác, bà Chiêm vẫn miệt mài với công việc chăm sóc ông và hát cho ông nghe những tình khúc nhạc đỏ.
Có lẽ sự kiên trì của bà đã làm trời đất cảm động, những giai điệu nhạc đỏ đã đánh thức lại được những dây thần kinh trong ông và một điều quan trọng là dường như ông đã hiểu được những tình cảm mà bà đang dành cho ông.
Sau 210 ngày ông hôn mê bất tỉnh, một ngày nọ bà Chiêm chợt thấy tay ông khẽ cử động trong khi bà đang say sưa hát bài hát “Đông Phương Hồng”. Ngọn lửa hy vọng trong lòng bà đang cháy lên và bà liền xin phép các bác sỹ đưa chồng về nhà chăm sóc.
Các bác sỹ đã bất lực với căn bệnh của chồng bà nhưng những ai chứng kiến cảnh tượng bà ngồi hát cho ông nghe, chăm sóc ông suốt đêm mà không hề chợp mắt đều khâm phục và cảm động.
Có nhiều người tình nguyện ngồi trông ông để bà có thể ngủ được một lúc nhưng nhất định bà không đồng ý. Bà vẫn muốn tự tay mình chăm sóc cho chồng, bà không muốn làm mất đi cơ hội có được những giây phút ở bên cạnh ông và nhất là một thời khắc nào đó ông sẽ tỉnh lại, và chắc chắn bà là người đầu tiên được cảm nhận sự hạnh phúc bất ngờ đó.
Đúng như những gì trái tim bà mách bảo, tình cảm của bà đã được đền đáp xứng đáng. Một đêm trong lúc đang ngồi xem TV bỗng bà nghe thấy giọng nói: “Chương trình ti vi hôm nay hay quá”, bà vội quay sang nhìn ông đang nằm trên ghế miệng mấp ma mấp máy.
Bà reo lên sung sướng khi thấy ông tỉnh lại và gọi ngay cho các con đang làm việc ở Hạ Môn về ăn mừng sự kiện trọng đại trong gia đình bà.
Việc ông tỉnh lại là thành công của cả nhà đặc biệt là bà Chiêm. Ông đã không phụ công sức và tình cảm của bà. Ông đã tỉnh lại bởi có sự màu nhiệm từ chính người vợ của mình. Trong thời gian chăm sóc ông, bà không chỉ bị sụt cân mà còn mắc thêm bệnh cao huyết áp nhưng điều đó không làm vơi đi được tình cảm của bà.
Bà nói rằng, những tình cảm chân thành, tình yêu tuyệt diệu có thể làm nên những điều kỳ lạ. Bà thấy hạnh phúc vô cùng mặc dù bà vẫn đang được các bác sỹ chăm sóc đặc biệt vì căn bệnh cao huyết áp.
|
Năm 2007, cô con gái lớn đã đón cả hai ông bà về Hạ Môn chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ tuổi già. Về ở với con cái, ông bà được ở bên nhau, bà vẫn không quên ngày ngày hát cho ông nghe, ông đã cảm nhận và nghe lại được những giai điệu bất hủ mà trước đây ông bà vẫn hay đàn hát.
Sức khỏe của ông sau đó cũng nhanh chóng được hồi phục nhờ sự chăm sóc tận tụy của bà và các con. Hiện ông đã có thể đi từng bước nhờ dùng nạng chống và bà vẫn kiên trì dìu ông tập đi. Mặc dù vẫn chưa nói được trôi chảy như trước nhưng ông cho hay, đợi khi nào ông khỏe hẳn, ông sẽ tiếp tục đi làm thợ mộc để kiếm tiền báo đáp bà, ông sẽ đánh đàn cho bà hát, hai ông bà lại được sống lại những tháng ngày hạnh phúc như trước đây.
Những chuyện thần kỳ rất hiếm thấy nhưng không có nghĩa là không bao giờ xảy ra trên cuộc đời này. Tình cảm và hơi ấm từ người mẹ có thể cứu sống được những đứa con đã ở bên bờ vực của cái chết thì những bài hát tràn đầy tình yêu thương của bà Chiêm đã cứu chồng mình sau những cơn mê man dài ngày. Tất cả những điều kỳ diệu đó là phép màu của tình yêu thương mang lại cho tất cả những ai biết trân trọng cuộc sống.