Dân Việt

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn còn nhiều trở ngại

02/08/2012 05:41 GMT+7
(Dân Việt) - Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện tại Thừa Thiên - Huế vẫn còn không ít trở ngại.

Dân hưởng lợi

Thừa Thiên - Huế là địa phương có phần lớn lưới điện hạ áp xây dựng cách đây hàng chục năm, tổn thất điện năng rất cao, bình quân từ 20-40%. Khu vực nông thôn của tỉnh tồn tại nhiều mô hình quản lý, kinh doanh điện khác nhau, như cấp xã có các HTX dịch vụ tiêu thụ điện, cấp huyện có các công ty cổ phần điện lực huyện... Do nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp, phát triển lưới điện hạ áp của địa phương có hạn, trong khi trình độ chuyên môn kỹ thuật yếu nên nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện luôn ở mức báo động, giá điện bị đẩy lên cao.

img
Thừa Thiên - Huế đang thực hiện việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện.

Trước thực trạng đó, từ năm 2006, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn cho ngành điện. Từ năm 2006 đến 2007, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận lưới điện hạ áp ở 49 xã với 689km đường dây, bán điện đến tận 59.858 hộ dân. Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tiếp nhận dự án lưới điện hạ áp đầu tư trong Dự án năng lượng nông thôn II (Re II), đặc biệt, nhiều HTX kinh doanh điện nông thôn tự nguyện bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý, nên từ tháng 6.2010 đến nay, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận lưới điện của 23/32 phường, xã tham gia Dự án Re II.

Ông Nguyễn Văn Hải - người dân thôn Cổ Tháp, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) cho biết, trước đây, người dân trong thôn phải mua điện với giá cao, đã vậy đường dây lại không an toàn nên tai họa luôn rình rập. “Từ khi hệ thống lưới điện ở địa phương được bàn giao cho ngành điện, chúng tôi không còn phải đóng tiền sửa chữa lưới điện, không phải chịu thêm những phát sinh do thất thoát điện năng và nhất là được trả tiền theo biểu giá bán điện quy định của Nhà nước”- ông Hải phấn khởi.

Còn nhiều vướng mắc

Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc. Dự án cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn triển khai chậm, một số tổ chức quản lý điện nông thôn chưa thật sự phối hợp làm việc, hoặc chưa đồng ý bàn giao cho ngành điện, bởi họ phải từ bỏ quyền lợi đang được hưởng.

Đến nay, 23/23 hồ sơ bàn giao lưới điện hạ áp của các phường, xã tham gia Dự án Re II đã được hội đồng định giá cấp huyện thông qua, nhưng UBND tỉnh chưa phê duyệt một số vướng mắc trong thủ tục. Tình trạng này khiến ngành điện chưa thể hoàn trả vốn cho các HTX có lưới điện bàn giao. Bên cạnh đó, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn có quá nhiều lao động (gấp 2-3 lần định biên của ngành điện), nên việc tiếp nhận nhân lực từ các tổ chức này hết sức khó khăn, nhất là hầu hết số lao động này lại chưa đáp ứng được chuyên môn, nghiệp vụ.

Ông Nguyễn Sinh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện trong tổng số 152 xã, phường trên địa bàn tỉnh vẫn còn 13 xã chưa bàn giao lưới điện cho ngành điện, tương ứng với 8 tổ chức kinh doanh điện nông thôn.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Sinh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện trong tổng số 152 xã, phường trên địa bàn tỉnh vẫn còn 13 xã chưa bàn giao lưới điện cho ngành điện, tương ứng với 8 tổ chức kinh doanh điện nông thôn. Theo ông Sinh, mặc dù còn không ít khó khăn trong việc tiếp nhận lưới điện hạ áp, nhưng công ty sẽ giải quyết dứt điểm việc lắp đặt công tơ và ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng mới tiếp nhận.

Cũng theo ông Sinh, hiện ngoài vận động các đơn vị còn lại sớm bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện, công ty còn tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước để tiếp tục hoàn thiện lưới điện nông thôn nhằm đáp ứng chính sách phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn. “Chúng tôi phấn đấu mọi người dân trên địa bàn đều được bình đẳng hưởng lợi từ chủ trương hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về giá và chất lượng điện năng”- ông Sinh khẳng định.