Dân Việt

Thu mua “tận diệt” vườn dừa, bán đi Trung Quốc

02/08/2012 09:07 GMT+7
(Dân Việt) - Sau thời gian rớt giá, ế ẩm, gần đây, dừa trái ở Phú Yên được thương lái ào ạt mua để bán sang Trung Quốc. Với cách mua kiểu “tận diệt” này, Sông Cầu sẽ hết dừa trái.

Mua “kèm trẻ em”

Một tháng trước, gia đình bà Trần Thị Bông (xã Xuân Lộc 2) đứng ngồi không yên vì hàng trăm nghìn trái dừa khô đã thu hoạch mà không tiêu thụ được. Mới đây, thương lái đồng ý mua hết số dừa này kèm điều kiện phải hái bán thêm dừa nạo (dừa non). Bà Bông rất ngạc nhiên khi tư thương lại mua cả dừa non - việc trước kia không có. Bà tặc lưỡi: Kệ, họ mua là bán!

img
Trước khi thương lái Trung Quốc chịu mua tận diệt, dừa Phú Yên ế ẩm, các chủ vườn dừa phải nạo cơm phơi khô bán ép dầu với giá rẻ bèo.

Hiện nay nhiều vườn dừa ở thị xã Sông Cầu và các huyện, thị khác của tỉnh Phú Yên cũng có tình trạng này: Thương lái mua “tận diệt” cả dừa già lẫn dừa non. Ông Nguyễn Hồng (thôn Xuân Phương, xã Xuân Bình, Sông Cầu) cho hay: Họ mua kiểu gì cũng phải bán vì nếu không bán thì khoảng 1 tuần nữa, số dừa già này sẽ lên mộng, hư hết, lúc đó chỉ còn cách đập bán ép dầu.

Được biết, hầu hết thương lái mua dừa ở Phú Yên là để bán cho Trung Quốc. Bà Lê Thị Xuân- một chủ nậu mua dừa ở Sông Cầu, cho biết, từ đầu vụ thu hoạch dừa tới nay, thương lái Trung Quốc không chịu mua dừa làm cho dừa trái Phú Yên ế ẩm, rớt giá. Rồi chẳng hiểu vì sao, tháng trước, thương lái Trung Quốc lại đồng ý lấy hàng nhưng với điều kiện là “kèm trẻ em” - phải bán dừa nạo thì mới mua dừa khô. “Họ yêu cầu sao, chúng tôi làm vậy” - bà Xuân nói.

Hiện nay, ngoài việc dừa được bán theo kiểu “kèm trẻ em” như trên, các thương lái còn thu mua dừa non với giá cao gấp đôi so với dừa khô, chính điều này càng khiến cho các chủ vườn dừa ráo riết thu hoạch. Chủ nậu thu gom dừa Kim Út (Sông Cầu) cho biết: “Các thương lái đẩy giá mua dừa nạo (dừa non) cao nên chúng tôi cũng mua giá cao cho bà con. Nông dân phấn khởi lắm”. Hơn một tháng qua, bình quân mỗi ngày vựa dừa Kim Út mua hơn 750.000 trái cả dừa non, và khô ở Sông cầu cùng các huyện Tuy An, Đồng Xuân. Sau khi gom đủ số lượng, chủ nậu Kim Út cho phân loại rồi chở đi giao cho thương buôn người Trung Quốc.

Lo dừa hết trái

Được biết, các chủ nậu chuyên mua gom dừa ở thị xã Sông Cầu lâu nay vẫn làm công việc thu gom dừa của địa phương và các huyện, thị lân cận theo yêu cầu của thương lái Trung Quốc. Mỗi đơn đặt hàng, các thương lái này đặt cọc trước 20% giá trị đơn hàng. Sau khi đủ hàng sẽ cho xe chở ra miền Bắc, tại đó lượng hàng này sẽ được giao lại cho thương lái Trung Quốc. Khi hàng đã được kiểm đếm, bốc hết lên xe thì phía Trung Quốc giao hết số tiền còn lại.

Bà Lê Thị Xuân - chủ nậu ở Sông Cầu, chia sẻ: Làm ăn với họ thì thường xuyên có đơn đặt hàng nhưng cũng lắm rủi ro vì số tiền đặt cọc quá ít. Nếu khi vận chuyển dừa đến nơi hẹn mà không có người nhận hàng như thỏa thuận thì không biết phải tiêu thụ đâu cho hết.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cho hay, cơ quan này đang tổ chức rà soát lại hoạt động của thương buôn người Trung Quốc trên địa bàn tỉnh để có biện pháp quản lý theo luật định.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, trên địa bàn thị xã có khoảng 1.200ha dừa với mật độ khoảng 220 gốc/ha, tập trung ở các xã Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Thọ 2… Lâu nay việc tiêu thụ dừa của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào các tư thương. Phần lớn sản lượng dừa đều được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thông qua các thương lái.

Trong khi dân buôn và người trồng dừa Phú Yên phấn khởi vì thương lái Trung Quốc khởi động lại việc mua dừa thì cũng có nhiều cơ quan chức năng ở địa phương rất lo lắng cho tương lai cây dừa Phú Yên.

Ông Đỗ Văn Chính - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, cho rằng: “Do yêu cầu của thương lái Trung Quốc nên người trồng dừa đang thu hoạch dừa theo kiểu tận diệt. Bà con đang vắt kiệt sức sinh sản của cây dừa. Với cách thu hoạch này, ở các vụ mùa sau, dừa sẽ giảm sản lượng, trái sẽ kém chất lượng hơn. Khi đó dừa cho trái nhỏ sẽ lại bị thương lái ép giá hoặc không chịu thu mua thì tình hình càng khó khăn hơn lúc này nhiều”.

Một số cán bộ cơ quan khác cũng có ý kiến tương tự nhưng chưa cơ quan nào biến sự lo lắng này thành một văn bản hành chính hoặc một giải pháp hữu hiệu nào có lợi cho tương lai cây dừa Phú Yên. Tất cả chỉ là nói.