Dân Việt

Tiền bơm ra thị trường quá nhiều

27/12/2010 08:44 GMT+7
(Dân Việt) - "Đã có một lượng lớn tiền được tung ra thị trường, trong khi đó giải pháp dùng tiền để trợ giá, bình ổn giá hoàn toàn không bình ổn được giá".

TS Lê Đăng Doanh trao đổi với NTNN về các giải pháp cấp bách bình ổn giá sau khi CPI cả năm được công bố.

Tiền bơm ra thị trường quá nhiều

img
Việc tung quá nhiều tiền mặt ra thị trường đã khiến lạm phát năm 2010 tăng cao.
(Ảnh minh hoạ)

Ông có cho rằng, năm nay là một năm giá cả biến động phức tạp và chúng ta không thể dự báo được khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vượt tầm kiểm soát và không đạt mục tiêu đưa ra là dưới 8% hồi đầu năm hay không?

- Tôi cho năm nay không phải là một năm quá phức tạp về biến động giá cả. Nếu nhìn lại các chỉ số giá từ đầu năm đến nay có thể thấy, giá cả tăng đúng quy luật của nó. Đó là chỉ số CPI tăng mạnh vào quý I (lúc này rơi vào tháng Tết của năm Canh Dần) và quý IV-thời điểm cuối năm giá cả thường có xu hướng tăng mạnh.

"Tôi cho các giải pháp bình ổn giá thời gian qua của chúng ta vẫn rất hành chính và do đó, sẽ chỉ có tác dụng ngắn hạn"- Ông Lê Đăng Doanh

Các quý II và III, giá cả diễn biến rất bình thường, thậm chí có tháng chỉ số này tăng rất thấp, chỉ khoảng 0,06%. Giá cả thế giới cũng vậy, chỉ tăng mạnh thời điểm cuối năm và cũng không có việc giá cả thế giới tăng đột biến. Các nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đều có biến động tăng, giảm và rất từ từ, hoàn toàn có thể dự báo và chuẩn bị trước.

Vậy tại sao chúng ta lại không bình ổn được giá cả trong năm nay, thưa ông?

- Tôi cho vấn đề mấu chốt ở đây là do chính sách tiền tệ. Đã có một lượng lớn tiền được tung ra thị trường. Chúng ta luôn nói đã áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng thực tế vẫn bơm ra quá nhiều tiền vào lưu thông, ví dụ như tiền để "cứu" các ngân hàng nhỏ thời gian qua chẳng hạn.

Ngay giải pháp bình ổn giá bằng cách cho doanh nghiệp vay vốn để bán hàng bình ổn giá, dự trữ hàng hóa của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM và giờ các địa phương khác cũng ồ ạt làm theo cũng đã khiến một lượng tiền được bơm ra khá lớn, với hàng trăm tỷ đồng. Về lý thuyết giải pháp này là để giúp bình ổn giá song thực tế lại có tác dụng ngược lại, rất mâu thuẫn.

Nhưng cũng không thể phủ nhận những yếu tố khách quan tác động đến việc tăng giá thời gian qua như việc giá cả thế giới tăng, thiên tai, dịch bệnh quá lớn mà chúng ta khó có thể kiểm soát được?

- Tất nhiên, những yếu tố này có được tính đến. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ có thể thấy, cùng một mặt bằng giá cả thế giới tăng như nhau nhưng các nước xung quanh ta có chỉ số giá thấp hơn của ta rất nhiều.

Điều này cho thấy, giá thế giới có tác động nhưng không thể gây ra lạm phát cao như ở VN được. Hãy nhớ rằng, bắt đầu từ tháng 9, giá cả mới bắt đầu tăng đột biến từ 0,2-0,3% của các tháng trước vọt lên trên 1% (tháng 9, CPI tăng 1,31% - pv) là do chúng ta điều chỉnh tỉ giá VND-USD trước đó-tức là do yếu tố tiền tệ-chứ không phải do giá thế giới tăng lên.

Cần thắt chặt tiền tệ

img
TS Lê Đăng Doanh

Vậy theo ông đây có phải là lý do mà các giải pháp kiềm chế giá được đưa ra liên tục gần đây đã không phát huy tác dụng như mong đợi?

- Tôi cho các giải pháp bình ổn giá thời gian qua của chúng ta vẫn rất hành chính và do đó, sẽ chỉ có tác dụng ngắn hạn. Ví dụ như giải pháp dùng tiền để trợ giá, bình ổn giá của ta hoàn toàn không bình ổn được giá.

Nó chỉ giúp ổn định giá một số mặt hàng nhất định nhưng dài hạn, giá các mặt hàng này vẫn sẽ tăng lên. Chưa kể lượng hàng bình ổn chiếm tỉ trọng quá nhỏ trong tổng lượng hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng của người dân. Lượng tiền được bơm ra để cho doanh nghiệp bình ổn giá đó sớm hay muộn cũng sẽ bị tuồn ra thị trường và càng khiến cho giá cả tăng lên.

Nhưng việc Chính phủ chưa cho phép tăng giá điện, than, xăng dầu đến hết quý 1-2011 là một nỗ lực rất lớn để kiềm chế giá, thưa ông?

- Việc Chính phủ quyết định chưa cho phép tăng giá điện, than, xăng dầu đến hết quý 1-2011 cũng sẽ chỉ giúp giảm bớt phần nào gánh nặng lạm phát trong năm nay nhưng sẽ không phải là giải pháp căn cơ. Bởi đến hết thời điểm quý 1 đó thì giá các mặt hàng này sẽ được điều chỉnh như thế nào?

Giá xăng hiện đã lên trên 91 USD/thùng và chúng ta không thể tiếp tục bù lỗ cho mặt hàng này; rồi giá điện, than cũng sẽ phải tăng vì đã nằm trong lộ trình giá thị trường. Tình trạng hai tỉ giá cũng sẽ không thể mãi tiếp diễn... Tất cả đang cần một chính sách điều hành linh hoạt, rõ ràng để chúng ta không phải đối phó mỗi khi giá cả biến động.

Các cơ quan chức năng cũng nhận định, sức ép tăng giá sẽ vẫn còn đè nặng khi bước sang năm 2011 bởi các yếu tố nêu trên. Vậy theo ông cần phải có giải pháp gì để bình ổn?

- Tôi cho giải pháp cấp bách lúc này là phải kiên quyết kiểm soát chặt chẽ chính sách tiền tệ, tín dụng, không tăng chi tiêu. Về lâu dài, chúng ta phải bình ổn cả thị trường vàng, bất động sản và USD. Thị trường bất động sản của ta hiện nay đang hút một lượng tiền rất lớn mà chỉ số giá chưa phản ánh được.

Bản thân các biến động giá cả hiện nay tôi cho chỉ số giá này cũng không bao quát hết. Giá thị trường thực tế còn cao hơn nhiều so với chỉ số CPI được công bố. Bất kể ai ra chợ cũng có thể làm phép tính để thấy, giá thịt lợn, rau cỏ, hoa quả, giá sữa, giá thuốc đều có mức tăng mạnh hơn nhiều những con số về giá cả được công bố.

Như ông nói, tình trạng hai tỉ giá (VND-USD) sẽ không thể tiếp diễn mãi và nhiều tổ chức cũng dự báo năm 2011, VND sẽ còn được nới lỏng thêm nữa, đây cũng là sức ép cho lạm phát năm tới. Theo ông chúng ta có quá lo lắng về điều này?

- Đây cũng là bài toán khó cho chúng ta hiện nay. Bởi nếu không nới lỏng tỉ giá thì sức ép sẽ bị dồn vào một thời điểm nào đó trong tương lai, đến một lúc nào đó nếu sức ép này bị bùng lên và "vỡ ra" thì chúng ta còn khó khăn hơn.

Tôi cho Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán để điều chỉnh vào thời điểm phù hợp để làm sao giảm bớt sức ép cho lạm phát tăng không chỉ của năm sau, mà cả những năm tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!