Dân Việt

Phong Lệ mở hội Mục đồng

29/11/2010 07:28 GMT+7
(Dân Việt) - Sáng 28-11, Lễ hội Mục đồng lần đầu tiên được phục dựng tại làng Phong Lệ (Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng) sau hơn 70 năm quên lãng.

Cầu mùa màng bội thu

Khi trời chưa hửng sáng, làng Phong Lệ đã vang lên tiếng trống giục giã dân làng tề tựu về sân đình. Lễ hội bắt đầu bằng việc rước bài vị Thần Nông từ đình làng ra đồng. Dẫn đầu đám rước là ông Trùm Mục (người cai quản mục đồng trong làng). Theo sau là đoàn mục đồng gồm 60 em nhỏ (học sinh trong làng) với áo vá, roi trâu, cùng bà con 17 tộc họ làng Phong Lệ.

img
Các mục đồng vui đùa trên những cánh đồng trên đường đi rước Thần Nông

Mỗi nhà có trâu đều sắm sửa lễ phẩm với mâm xôi, hoa quả, gà, đầu heo, và đội theo đám rước. Đoàn người rồng rắn tiến về cồn Thần (Phong Nam), trong âm thanh dậy trời của trống chiêng.

Đến cồn, kiệu Thần được đặt vào chỗ trân trọng. Trùm Mục thay mặt cho giới mục đồng trong làng làm lễ triệu thỉnh Thần Nông. Trùm Mục dõng dạc xướng: “Chúng mục đồng làng Phong Lệ, rước Thần Nông về làng. Mừng cho tốt lúa! Võ thuận phong điều, mừng reo một tiếng!”. 60 em nhỏ cầm cờ theo sau Trùm Mục lúp xúp chạy quanh cồn theo những hình lượn tới lui. Sau đó bài vị được rước về đình làng. Lễ phẩm lần lượt được bày khắp 3 gian đình. 60 mục đồng đứng ra trực tiếp làm lễ tế. Các chức sắc trong làng nghiêm trang đứng thành 2 hàng chứng minh buổi lễ.

Khi mặt trời nhô lên khỏi ngọn tre là lễ cũng vừa xong, mọi người lại quay về với cuộc sống nông trang đời thường...

Lễ hội cần khôi phục

Cụ Ngô Tấn Nhã (94 tuổi), người cao tuổi của làng Phong Lệ, cho biết, ngày xưa cứ đến các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu (nghĩa là cách 3 năm), làng lại tổ chức lễ rước Mục đồng một lần. Sau dãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng 12 năm. Lễ hội cuối cùng được ghi nhận là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936).

img
Lễ rước Mục đồng - lễ rước vinh danh trẻ chăn trâu

Theo cụ Nhã, lễ hội xuất phát từ một tích xưa, rằng làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng dính chặt xuống đất. Cho là có thần linh giáng hạ nên sau hôm đó chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Dân làng đặt tên khu đất là cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không hề hấn gì. Từ đó có tiếng đồn là cồn Thần chỉ cho trẻ chăn trâu đến gần mà thôi.

img Lễ rước Mục đồng là một lễ hội hiếm, có một không hai tại Việt Nam, lại có giá trị nhân văn sâu sắc, cần được phục dựng, duy trì. img

Bà Văn Thu Bích - Trưởng phòng Nghiệp vụ VH, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng

Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ, dần dần hình thành Lễ hội Mục đồng. Lễ hội trước kia tổ chức vào hạ tuần tháng 3 âm lịch, khi vụ mùa đã hoàn tất. Trong lễ, mọi người ai ai cũng giữ sự cung kính trước đám mục đồng - những người góp sức vào vụ mùa bội thu.

Chư tộc làng Phong Lệ gìn giữ nếp xưa muốn phục dựng lại lễ hội này để nhớ ơn tiên tổ, cầu cho mùa màng tốt tươi và khẳng định sự đóng góp của nông gia, trong đó có trẻ mục đồng, những người đã đổ mồ hôi làm ra hạt gạo. “Bằng việc vinh danh cả đứa trẻ chăn trâu, lễ hội bày tỏ khát vọng xóa bỏ địa vị, thứ bậc con người trong xã hội phong kiến trước kia, coi trọng giá trị lao động” - lão nông Trần Nhi (86 tuổi) nói. Kinh phí làm lễ hội này, chủ yếu bà con trong làng đóng góp, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng hỗ trợ một phần.