Dân Việt

Thuỷ điện Bản Vẽ: Tái định cư “5 không”, dân ồ ạt hồi hương

27/12/2010 18:00 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng chục gia đình ở bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An thuộc Khu tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ đã bỏ về quê cũ tìm kế sinh nhai.

Nơi tái định cư “5 không”

Ông Quang Văn Duyên (58 tuổi) nhà ở đầu bản bức xúc: “102 hộ, 450 nhân khẩu chúng tôi về đây từ tháng 5-2009, nhưng chẳng có đất để sản xuất, không có nước sinh hoạt, tất cả đều thiếu đói… Trưởng bản đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa thấy gì”.

img
Bể nước, không có lấy một giọt

Anh Chưởng Văn Tình nhà bên cạnh nói: “Không có đất sản xuất, vườn thì nhỏ, toàn đá sỏi không trồng được cây chi cả. Nhà tui 4 miệng ăn, hết gạo đã 5 tháng nay, phải đi vay mượn để ăn. Tình hình ni tui cũng về trên đó thôi. Hàng xóm tui 7 hộ đã bỏ đi rồi”.

Không chỉ thiếu đất sản xuất, bản Kim Hồng còn thiếu đủ thứ. Bản có 6 bể nước thì tất cả đều không sử dụng được. Nguồn nước dùng chung cho cả bản là một chiếc giếng nhỏ. Hàng trăm con người trong bản chỉ có mấy cái nhà vệ sinh quây bằng nilon tạm bợ. Một trận mưa, tất cả rác rưởi và phân người, phân gia súc đều trôi xuống giếng.

Đường vào bản chỉ có một chiếc cầu bắc qua suối, nhưng đã bị trận lũ vừa qua cuốn trôi. Ông Chưởng Văn Duyên, nói: “Cầu sập, tội cho mấy em học sinh, cứ một trận mưa lớn, nước dâng là phải nghỉ học. Hồi tháng 8, em Vi Văn Cà, học sinh lớp 8 bị chết đuối khi lội qua suối đi học. Còn trường học, nhà văn hoá xây xong đã lâu nhưng không hiểu sao vẫn chưa đưa vào sử dụng. Tốn hàng trăm triệu đồng mà chỉ để làm… nhà vệ sinh cho chó, lợn, trâu, bò.

Chính quyền thờ ơ

Thuỷ điện Bản Vẽ khởi công xây dựng ngày 7-8-2004 tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An. Nhà máy có tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, công suất lắp máy 320MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 1 tỷ kWh.

Ông Lô Hoài Dung - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm thừa nhận những điều nêu trên là có thật. “Đất sản xuất ở bản Kim Hồng đã được cấp một số, nhưng số đất đó đang bị dân các bản đến ở trước trồng cây; số còn lại chưa được cấp.

Việc hỗ trợ gạo cho dân tái định cư trong 4 năm, mỗi năm 4 tháng, đã gần hết năm 2010 mà bản Kim Hồng vẫn chưa được đáp ứng. Thiếu ăn, 57 hộ đã bỏ về quê cũ Tương Dương. Còn nước sạch, 14/14 bản ở khu tái định cư đều chưa có.

Nhà có điều kiện dùng nước giếng khoan, còn lại dùng nước giếng đào và nước khe. Trường học, đáng ra mỗi bản mỗi trường, nhưng do học sinh ít nên các em phải ra trung tâm xã để học. Vì thiếu đói, 17 học sinh THCS và tiểu học đã bỏ học. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về những vấn đề trên nhưng vẫn chưa được giải quyết”.

Chúng tôi đến UBND huyện gặp ông Vinh - Chủ tịch, ông nói: “Vấn đề này các anh hỏi anh Nguyễn Đình Hà - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của huyện”.

Chúng tôi tìm gặp anh Hà thì không thấy. Điện thoại mấy lần, chuông đổ nhưng anh Hà tắt máy. Mãi chiều chúng tôi mới gặp được ông Trương Công Tịch - Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Chương.

Ông Tịch chống chế: “Việc thiếu đất, thiếu nước sinh hoạt… là đúng; việc dân bỏ về hiện tượng đúng, nhưng bản chất chưa đúng vì ruộng nương đang còn ở trên đó nên họ về làm”.