Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera đang ở thăm Mỹ, ông Hagel nói: “Mỹ không có lập trường đối với chủ quyền cuối cùng của quần đảo này, nhưng chúng tôi công nhận nó thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và nằm trong các nghĩa vụ của hiệp ước an ninh giữa chúng tôi.”
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trung tâm của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông. (Ảnh: AP) |
Bộ trưởng Hagel đồng thời nhấn mạnh phải giải quyết cuộc tranh chấp mà theo ông là thách thức chủ chốt đối với an ninh khu vực này một cách hòa bình thông qua sự hợp tác giữa các các bên liên quan.
Ám chỉ những hành động gần đây của Trung Quốc, ông tuyên bố Washington “phản đối bất cứ hành động đơn phương hay cưỡng bức nào nhằm tìm cách làm suy yếu quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản. Bất cứ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng hay dẫn tới những tính toán sai lầm đều tác động đến an ninh của toàn bộ khu vực.”
Chuyển sang vấn đề Triều Tiên, ông chủ Lầu Năm Góc cho rằng hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng là “mối đe dọa rõ rệt nhất đối với sự ổn định trong khu vực.
Ông và người đồng cấp Onodera đã nhất trí rằng sự phối hợp chặt chẽ mà các lực lượng Mỹ và Nhật Bản đang tiếp tục thực hiện, đặc biệt là hợp tác về phòng thủ tên lửa, sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc giám sát và đối phó với bất cứ hành động khiêu khích tiếp theo nào.
Trong lĩnh vực này, ông Hagel cho biết đã có tiến triển trong các kế hoạch triển khai trạm rađa TPY-2 thứ hai đến Nhật Bản. Ông cũng xác nhận Mỹ sẽ đưa phi đội máy bay vận tải MV-22 Osprey thứ hai gồm 12 chiếc đến Nhật Bản trong mùa Hè này.