Dân Việt

Ký sự Neudau

14/10/2010 00:05 GMT+7
(Dân Việt) - Một tuần ở Neudau, sống với những người nông dân Áo, chưa một lần tôi thấy họ tổ chức tiệc tùng, nhậu nhẹt như ở Việt Nam ta. Bữa ăn họ cũng rất đạm bạc dù gia đình nào cũng giàu có.

Đi dọc con đường xuống phía nam nước Áo, cách thủ đô Vienna hơn 100km, chúng tôi rẽ vào một cánh rừng. Từ trên ô tô, Hưng (anh bạn Việt kiều) bảo làng Neudau (huyện Hartberg, Steiemark) ở phía trước. Nhìn theo hướng của Hưng, chỉ thấy núi non ngút ngàn và những rừng cây trùng điệp mờ ảo trong sương.

Nước Áo, sang xuân vẫn lạnh, trời đất âm u, thỉnh thoảng mới thấy ánh nắng mặt trời càng làm cho miền sơn cước thêm vẻ ảm đạm. Xe vẫn chạy trên con đường nhựa phẳng lỳ dưới tán cây rừng, lúc lên dốc, mây bay qua cửa kính, khi thì lọt thỏm trong thung lũng.

img
Vẻ yên bình ở khu trung tâm Neudau

Không một bóng người, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc ô tô ngược chiều hoặc con nai, con hoẵng chạy ngang đường... Tôi đinh ninh Neudau u tịch, buồn tẻ...Và rồi làng Neudau đã hiện ra trước mặt, trái ngược hoàn toàn với tưởng tượng của tôi.

Cuộc hội ngộ của những người Việt

Ra đón chúng tôi từ trong ngôi biệt thự sang trọng nằm vắt vẻo trên triền dốc là người đàn ông người Việt nhỏ nhắn, tên Công quê ở Thanh Hoá. Sự xuất hiện đột ngột của tôi, làm anh thoáng chút ngỡ ngàng.

Nghe Hưng giới thiệu tôi mới ở Việt Nam sang, anh chằm bặp như vớ được vàng, nắm tay tôi kéo vào nhà, nói như reo “đồng hương người Việt mình rồi”. Vợ anh thì rối rít giục mấy đứa trẻ đang nô đùa trên gác “xuống chào bác”, rồi mang bia bày la liệt trên bàn, đon đả mời chào.

Công liên tục điện thoại mời gọi bạn bè. Ngỡ gia đình có liên hoan, tôi xin phép cáo từ. Công nằng nặc: “Bác đến, em gọi bạn nhậu cho vui thôi.

Cũng như vợ chồng Công, những người bạn Việt của vợ chồng Công gặp tôi ai cũng tay bắt, mặt mừng... Họ đón tôi như những người tri kỷ, vừa ăn, vừa kể cho tôi nghe những kỷ niệm về quê hương khi còn ở Việt Nam...

Công kể, ở làng Neudau có 15 gia đình người Việt, đều là con em nông dân, người quê Thanh Hóa, người Hải Dương, Nam Định... Trước đây làm việc ở Tiệp Khắc, khi xảy ra “cách mạng nhung” đã phiêu bạt sang Áo và định cư ở Neudau. Bây giờ phần lớn làm công nhân trong hãng Bockenstein (cùng địa chỉ).

Cùng trải qua những ngày, “nếm mật nằm gai” trong trại tỵ nạn, nên mọi người coi nhau như ruột thịt. Động bát, động đũa là có nhau. Thỉnh thoảng lại tập trung mổ lợn, cũng lòng lợn, tiết canh... như ở Việt Nam. Công thủ thỉ, bọn em xa quê hương hơn 20 năm nay, Neudau là vùng nông thôn, gặp được người Việt mình là quý lắm...

Những ngày ở Neudau, hết gia đình này đến gia đình khác, xung phong đưa đón tôi đi thăm vùng đất của họ. Đưa tôi đến thăm ngôi biệt thự của mình, Hiệp chỉ sang ngôi biệt thự bên kia đường giới thiệu “đó là nhà anh Chiến”, cùng làm trong hãng Bockenstein.

Tôi hỏi, người Việt ở đây nhà nào cũng ở biệt thự, có vài chiếc ô tô, chắc thu nhập khá? Hiệp không giấu giếm: “Một gia đình có hai vợ chồng làm công nhân ở đây, lương mỗi tháng bình quân 1.300 Euro một người, trừ chi phí sinh hoạt còn để ra được 1 suất lương. Tuy nhiên không thể dựa vào số tiền này mà mua được đất, xây được nhà. Bà con mình ở đây đều tự xây nhà.

Hết giờ làm việc là vợ phụ hồ, chồng xây, có khi thức suốt đêm để làm. Không cần phải mời gọi, anh em người Việt ai rảnh là xúm vào làm giúp, làm xong, về nhà ăn cơm, coi như việc nhà mình. Làm trong nhà máy rất vất vả, nhất là những hôm làm ca đêm, nhưng mình là nông dân Việt. Ai cũng cần cù, chịu khó...”

“Hãy bầu cho tôi”

Tôi đến Neudau đúng vào thời điểm ở đây diễn ra cuộc bầu cử làng (tương đương cấp xã ở Việt Nam). Một buổi sáng, vừa mở cửa, thấy một gói quà gồm bánh mỳ, bơ, sữa treo lủng lẳng trên cánh cửa nhà Hưng. Hưng bảo, đấy là quà của đảng VP.

Neudau có diện tích 1.014ha, với 1.300 dân, ở đây có đầy đủ các thiết chế của một đô thị lớn, từ ngân hàng, bưu điện, siêu thị, trường học, bể bơi, sân vận động đến đội cứu hỏa...

Hiện tại ở Neudau, chính quyền chủ yếu do đảng SP (đảng Xã hội dân chủ) và đảng VP (đảng Nhân dân Áo) nắm giữ. Mỗi kỳ bầu cử các đảng lại thi nhau tặng quà cho dân để tranh thủ sự ủng hộ. Đang chơi ở nhà Khánh thì có khách.

Khánh giới thiệu đó là kỹ sư Franz Koch - Phó Chủ tịch làng Neudauberg, thuộc đảng SP, ứng cử viên tranh cử chức Chủ tịch trong đợt bầu cử sắp tới. Sau khi bắt tay chúng tôi, hỏi thăm việc làm ăn của vợ chồng Khánh, việc học hành của các cháu, ông trao cho Khánh một gói quà rồi : “Gia đình ông hãy bầu cho tôi, có việc liên quan đến chính quyền, tôi sẵn sàng giúp đỡ”. Và ông lấy một gói quà tặng cho tôi, gồm một đôi găng tay, một chiếc bật lửa, trên đó ghi biểu tượng của đảng SP, với lời kêu gọi: Chúng ta hãy đoàn kết, ủng hộ kỹ sư Franz Koch và đảng SP...

Tôi bảo, tôi không phải công dân ở đây, không giúp được gì cho ông. Nở một nụ cười thân thiện, ông nói: Không sao, ngài hãy nói với bạn ngài ủng hộ cho tôi và đảng của tôi.

Nhà Công, có một tấm danh thiếp được để ở vị trí rất trang trọng trong phòng khách. Tò mò tôi hỏi, Công kể sau khi sinh cháu Mai Lan được 1 tuần, một buổi sáng, nhân viên bưu điện mang đến gia đình Công một gói quà, trong đó có chiếc phong bì, tên người gửi là ông Chủ tịch làng - Tiến sĩ Wolfgang Dolesch.

Thật bất ngờ đó là tấm danh thiếp, do ông chủ tịch trực tiếp viết, ký tên: “Cảm ơn ông bà đã sinh cho nước Áo công dân Mai Lan. Chúc cháu phát triển tốt để trở thành người có ích”. Kể xong câu chuyện, Công tuyên bố, cả nhà tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy.

img
Cả nhà anh Công nâng niu tấm danh thiếp mừng sinh nhật của ông Chủ tịch làng - TS Wolfgang Dolesch

Những nông dân tỷ phú

Hưng đưa tôi đến thăm gia đình ông Radl Karl - một gia đình nông dân Áo. Vợ chồng Radl Karl đã trên 70 tuổi và con trai hơn 40 tuổi nhưng chưa lấy vợ. Nhà của Radl Karl tọa lạc trên một mảnh đất hơn 1 ha, ngôi biệt thự dành cho cậu con trai, còn ông bà Radl Karl ở dãy nhà ngang, gần với kho thức ăn gia súc và khu chuồng trại chăn nuôi.

Trong chuồng của gia đình Radl Karl nuôi hàng trăm con lợn, vài ba trăm gà, vịt. Con nào cũng mỡ màng, béo nung núc. Vợ chồng Radl Karl trước đây làm công nhân, hưởng lương hưu 600Euro/người/tháng.

Gia đình Radl Karl có 14ha đất canh tác, trồng ngô, lúa mạch, bí. Ngô và lúa mạch dành cho chăn nuôi sau khi thu hoạch, được sấy khô ngay tại ruộng, sau đó đổ vào bồn chứa. Ngoài 2 chiếc ô tô để thỉnh thoảng ra đồng, nhà Radl Karl có một xưởng nông cụ, 3 chiếc máy cày, còn khu chế biến thức ăn chăn nuôi không khác một nhà máy. Từ cày, cấy, gieo hạt, đến chế biến thức ăn cho gia súc, đều do vợ chồng Radl Karl làm.

Nhìn những bước đi có phần chậm chạp của Radl Karl, tôi ái ngại hỏi: Lương hưu của ông bà ăn tiêu thừa sung túc, sao còn làm cho vất vả? Nở một nụ cười hiền khô, Radl Karl lấy tay đấm đấm vào lưng nói: Không làm thì đau lưng lắm.

Cách nhà Radl Karl khoảng 1km là ngôi biệt thự của Mortin Evelyne - một nông dân chính hiệu. Mortin Evelyne khoảng trên 40 tuổi, rất to béo. Gia đình Mortin Evelyne có 6ha rừng; 6ha dành cho việc chăn nuôi.

Trong chuồng của Mortin Evelyne có hàng nghìn con thỏ được phân loại riêng, khu nuôi lấy thịt, khu thỏ đẻ, khu mới lớn. Thức ăn, nước uống cho thỏ chứa trong chiếc bồn cao, có đường ống dẫn đến máng ở các dãy chuồng. Chỉ cần xoáy van là tự chảy đến máng. Bên cạnh khu chuồng thỏ là chuồng lợn hàng trăm con, ngoài bãi còn có hàng trăm con vừa cừu, vừa bò, vừa ngựa.

Mortin Evelyne làm việc như một “cỗ máy”, từ 7 giờ đến 8 giờ sáng, hai vợ chồng xả thức ăn, nước uống cho thỏ, lợn, mang cỏ khô cho cừu ngựa. Sau đó Mortin Evelyne phóng xe ô tô lên rừng làm việc. 3 giờ chiều trở về nhà chăm lo cho đám gia súc. Công việc chỉ kết thúc khi đàn gia súc đã ngủ ngon (thường vào 7 giờ tối). Trong khu chuồng lợn và thỏ luôn phát ra một bản nhạc rất êm, Mortin Evelyne bảo “để cho chúng ngủ”...

Một tuần ở Neudau, sống với những người nông dân Áo, chưa một lần tôi thấy họ tổ chức tiệc tùng, nhậu nhẹt như ở Việt Nam ta. Bữa ăn họ cũng rất đạm bạc, bánh mỳ với xúc xích, hoặc thịt với salat dù gia đình nào cũng giàu có. Ấn tượng về Neudau trong tôi quả là khó phai nhạt...