Số liệu được công bố mới đây của Chính phủ Mỹ về Chương trình liên bang quản lý các nông dân làm việc theo thời vụ cho thấy, người dân tại bang California - nơi có đến 1/8 dân số thất nghiệp - sẽ không chọn công việc thu hoạch rau quả kể cả khi họ không có việc làm.
Ngày càng có nhiều nông dân Mỹ bỏ ruộng do lợi nhuận giảm |
Ông Steve Fortin - chủ một trang trại ở bang Nevada cho biết, số tiền mà ông chỉ trả cho những người bản xứ và nước ngoài đến làm công việc thu hoạch hoặc chăm sóc cây dâu tây ở trang trại đã tăng lên 10,25 USD/giờ, nhưng chỉ họa hoằn mới có người đến xin việc.
Từ tháng 2-2010, các chủ trang trại ở California đã tiêu tốn hàng chục nghìn USD cho quảng cáo nhằm thu hút 1.160 nhân công. Họ cũng phá bỏ một số quy định tuyển dụng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân, tuy nhiên chỉ có 233 người đăng ký làm việc thông qua các văn phòng tư vấn thất nghiệp ở các bang California, Texas, Nevada và Arizona.
Việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nông dân trên các nông trường đã đưa xuất khẩu nông sản của Mỹ lao dốc kể từ năm 2009. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, kim ngạch xuất khẩu nông sản - bộ phận chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất nông nghiệp của Mỹ - sẽ giảm xuống mức 96 tỷ USD trong năm nay, từ mức 117 tỷ USD trong năm 2009, ngang với mức sụt giảm thời gian qua của hoạt động xuất khẩu nói chung của nước này.
Hội chứng "lãnh cảm" với đồng ruộng của nông dân Mỹ còn bắt nguồn từ một nguyên nhân khác, đó là lợi nhuận thu được từ sản xuất nông sản liên tục giảm mạnh. "Nông dân không còn có lợi nhuận nữa", nhà kinh tế học Kim Anderson chuyên về thị trường ngũ cốc tại Đại học Oklahoma, nhận xét.
Giới chủ trang trại Mỹ đang phản ứng trước thực trạng này bằng cách giảm diện tích sản xuất. Ở bang Oklahoma, bang xuất khẩu khoảng 2/3 sản lượng lúa mì, nông dân hoặc bỏ mặc một phần đất, hoặc chỉ trồng lúa mì hoặc lúa mạch đen cho gia súc ăn.
Chu Vũ