Ngày ngày trên thao trường nắng bạc vai áo, đêm về căng mắt trong những phiên gác thâu đêm. Những lúc thảnh thơi tiếng ghi ta lại vang lên, hòa cùng lời ca trầm bổng của cánh lính xa nhà. Nó như một chất keo kết dính, giúp chúng tôi càng yêu thương nhau hơn.
Quê tôi nằm ven con sông Tiền quanh năm đong đầy phù sa. Hết hai vụ lúa, tụi nhỏ chúng tôi lại chuẩn bị câu, lưới cho mùa đánh bắt cá khi con nước tràn đồng. Cái chòi được tủ bằng rơm rộng hơn dang tay nằm sát mé kênh là điểm "tập kết" của cả bọn, lúc nào cũng tấp nập, đông đúc.
Khi bủa xong tay lưới hay thăm xong đợt câu cắm… chúng tôi lại quây quần bên nhau. Tiếng ghi ta lại vang lên bập bùng giữa bốn bề sông nước.
Phút thư giãn của chiến sĩ bên cây đàn ghi ta. |
Hết đứa này chơi, mỏi tay lại chuyền sang đứa khác, ai cũng chơi được nhưng cũng chỉ "bập bõm". Trong xóm tôi người đàn hay nhất là "ông Tám nghệ sĩ", tiếng đàn của ông hay lắm. Cây đàn như biết nói, biết sẻ chia những nỗi nhọc nhằn của người dân quanh năm lam lũ thật thà, chân chất quê tôi. Cũng từ ngày ông Tám về đây ở, bọn tôi mới bắt đầu biết chơi đàn do ông dạy. Nghe đâu, lúc trước ông chơi cho một ban nhạc nào đó tận trên Sài Gòn. Chừng rã nhóm, ông về đây cất nhà, mua ruộng làm một lão nông chính hiệu.
Thấy chúng tôi mê quá, ông tặng luôn cây đàn đã cùng ông trong những năm tháng theo nghiệp cầm ca. Lâu lâu ông mới ra căn chòi này và có lúc ngẫu hứng ông đàn liên tục cả tiếng đồng hồ. Bữa đó xem như tụi tôi trúng mánh bởi vừa được nghe đàn, vừa học thêm được vài điệu mới. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về xuất xứ của đàn ghi ta, ông bảo đàn ghi ta vừa dễ chơi, dễ học, gọn nhẹ… nên dần trở thành bạn đường thân thiết của tất cả mọi người, mọi giai tầng trong xã hội.
Những năm tháng chiến tranh, tiếng đàn ghi ta trở thành "bệ phóng" cho những ca khúc hùng tráng trong phong trào đấu tranh trong giới học sinh sinh viên Sài Gòn... Tiếng đàn còn là món ăn tinh thần cho chiến sĩ ta sau những chiến thắng, những lúc gian khổ nhất nụ cười vẫn trên môi trong tiếng ghi ta đầy hào khí, sôi sục đến ngày thống nhất Tổ quốc.
Năm tháng trôi đi, hết hai vụ lúa, lũ lại về, tiếng ghi ta vẫn cứ bập bùng mang bao niềm vui nỗi buồn của người dân quê tôi hòa vào dòng nước lũ trôi ra tận biển.
Bây giờ ít thấy ai chơi đàn ghi ta như bọn tôi ngày ấy. Nhưng với tôi, tiếng đàn ghi ta đã là một điều gì đó không thể thiếu được và trở thành một người bạn tri kỷ trong suốt tháng năm quân ngũ.
Thế Hiển