Dân Việt

Cao nguyên đá: Gìn giữ, bảo tồn không dễ

17/10/2010 08:39 GMT+7
(Dân Việt) - Cao nguyên đá Đồng Văn vừa được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu. Sự kiện này mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch vùng cực bắc Tổ quốc, nhưng cùng với niềm vui ấy là sự âu lo về việc bảo tồn, khai thác...
img
Hoạt động sản xuất của người dân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn cao nguyên đá Đồng Văn.

Tự nhiên đã ban cho vùng cao nguyên Đồng Văn điệp trùng những đá - thứ đá mà chẳng phải ở nơi đâu cũng có thể tìm ra bởi nó là lớp địa tầng của vỏ Trái đất mà con người đang sinh sống.

Báu vật của tự nhiên

Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, nằm ở độ cao trung bình 1.400-1.600m. Bao năm qua, những chủ nhân của vùng cao nguyên này-bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng... mới chỉ thấy được cái khó khăn, thách thức trong cuộc mưu sinh giữa vùng đá tai mèo san sát.

Cũng bởi vậy nên dẫu là vùng có nhiều cảnh đẹp, hùng vĩ, danh thắng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều nhóm động, thực vật quý hiếm, nhiều di sản địa chất đầy ý nghĩa khoa học tầm khu vực và quốc tế nhưng người dân vùng cao nguyên này nghèo vẫn hoàn nghèo, chẳng thời gian, công sức, tâm trí đâu mà du lịch nội địa.

Dù Hà Giang đã có những quyết sách bảo tồn, phát huy và phát triển vùng cao nguyên đá Đồng Văn, từng bước hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên nhưng vấn đề bảo tồn chỉ được giải quyết triệt để khi sự mưu sinh của những chủ nhân nơi đây được đổi hướng tích cực.

Nên khi nghe nói về việc cao nguyên đá được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu, không ít người dân Hà Giang thấy thật ngỡ ngàng.

Theo hồ sơ của tổ chức GGN (Global Geoparks Network - Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu) thì cao nguyên Đồng Văn có các yếu tố tự nhiên, nguồn tài nguyên địa chất, văn hóa truyền thống quý báu chưa từng thấy ở Việt Nam và khu vực, đủ điều kiện xây dựng, phát triển công việc địa chất tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Việc xây dựng, phát triển công việc địa chất cao nguyên đá Đồng Văn hướng tới 3 mục tiêu: Bảo tồn giá trị di sản địa chất, sự đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa của khu vực; giáo dục lòng yêu thiên nhiên, trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ, khai thác bền vững các di sản địa chất; thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế bền vững như du lịch địa chất, du lịch sinh thái và các hoạt động kinh tế phụ trợ, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Trăn trở việc bảo tồn

Cao nguyên Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai tại Đông Nam Á đã mở ra một hướng phát triển mới đối với Hà Giang nói chung và những chủ nhân vùng cao nguyên đá nói riêng bởi những nguồn vốn đầu tư khổng lồ, cơ hội phát triển du lịch thúc đẩy sản vật địa phương trở thành hàng hoá, cơ hội việc làm cho nhiều lao động...

"Tới đây, vùng cao nguyên này sẽ có thêm nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghiên cứu. Khi ấy gia đình tôi sẽ mở cửa hàng ăn bằng những món ăn dân tộc, bán những sản vật quê hương, hy vọng cuộc sống sẽ nhanh chóng thay đổi" - đó là lời tâm sự của lão nông Mùa Sáy Tồng ở bản Lủng Cẳng, huyện Yên Minh.

Theo ông Đàm Văn Bông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ sánh vai với các công viên khác trên thế giới, có tầm ảnh hưởng quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để xóa đói giảm nghèo, tăng cường an ninh nơi vùng cao, biên giới.

Hà Giang sẽ xây dựng chiến lược phát triển, nâng cấp hạ tầng dịch vụ đạt tiêu chuẩn, phù hợp; đề ra các giải pháp hữu hiệu đảm bảo công việc phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; bảo tồn nguyên vẹn các giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa.

Tuy vậy, khác với việc bảo tồn một cổ vật, một làng văn hoá hay một vùng danh lam thắng cảnh khác, việc bảo tồn và nghiên cứu, khai thác cao nguyên đá Đồng Văn là khó khăn không nhỏ bởi nơi đây có diện tích tự nhiên lớn, là nơi ngụ cư của hàng ngàn con người từ bao đời nay với nghề nông-lâm truyền thống. Do đó nhu cầu về đất sản xuất và điều kiện canh tác trên đất, sinh hoạt đời sống sẽ có những tác động tiêu cực thường xuyên, liên tục tới cao nguyên đá.