Xung quanh vấn đề này, NTNN đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Chỉ hạn chế, không thể cấm tiệt, xoá hẳn
Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc nói: Trước hết phải khẳng định mục đích của việc cấm xe công nông, cấm đốt đồ mã, cấm hút thuốc ở nơi công cộng là đúng đắn, cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Các loại văn bản đó đã tính hết được tất cả những yếu tố chưa?
Lệnh cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng đã có hiệu lực, nhưng việc chấp hành và xử phạt đều chưa nghiêm |
Việc cấm xe công nông, xe tự chế nhằm giúp đường phố đẹp hơn, giảm cản trở giao thông công cộng, bớt bụi bặm, nhếch nhác. Nhưng liệu đã thực sự đến lúc cấm hẳn hay chưa; khi cấm, những người lái xe tự chế sống thế nào; thay bằng phương tiện gì? Về mặt pháp lý, phải thấy xe công nông ra đời từ lâu, tồn tại nhiều năm, được xã hội chấp nhận, pháp luật không cấm. Nay muốn cấm và để cấm được cần xử lý hàng loạt vấn đề.
Phải thấy xe công nông là nguồn sống của nhiều người. Muốn cấm, phải giúp người ta chuyển đổi nghề và có sự bồi thường. Điều cũng cần tính là có nhất thiết phải cấm tiệt hay chỉ đối với một số con đường và vào những giờ nhất định. Thường thì, những yếu tố đó chưa thực sự được tính toán kỹ. Nhiều trường hợp, các cơ quan nhà nước thấy vấn đề bức xúc thì cấm một cách duy ý chí mà chưa tính đến hậu quả phát sinh.
Còn việc cấm hút thuốc lá, cấm đốt đồ mã là đụng chạm đến thói quen, tập quán của người dân nên càng khó hơn. Đốt mã là một nhu cầu có tính tâm linh. Việc cấm là để tránh gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nhưng cách tính toán đó đã toàn diện chưa. Khi vào một ngôi chùa, đền, nếu không đưa theo vàng mã, với tâm lý một người bình thường sẽ thấy áy náy, như người có lỗi.
Hút thuốc lá là thói quen có hại cho bản thân người hút và người xung quanh. Tuy nhiên, những thói quen đó chỉ nên hạn chế chứ không thể xoá hẳn. Cấm hút thuốc ở công sở, người ta vẫn có thể lách luật bằng cách vào nhà vệ sinh để hút.
Cũng không nên nghĩ rằng, còn người hút thuốc ở công sở là pháp luật chưa nghiêm. Phải nhìn bằng "con mắt" thực tế: Một quy định cấm không phải bao giờ cũng là để xoá bỏ triệt để một thói quen, một hành vi mà chỉ là để hạn chế; hạn chế càng nhiều càng tốt.
Từng là người đứng đầu cơ quan "gác cửa", giám sát việc ban hành các văn bản của các bộ, ngành và địa phương, ông nhận định thế nào về hệ lụy của những văn bản kém chất lượng, không có nhiều tác động đến xã hội?
TS Nguyễn Đình Lộc |
- Pháp luật ban hành phải được mọi người tôn trọng. Nhưng khi ban hành mà người dân không biết, không thực hiện thì tính nghiêm minh của pháp luật bị xem thường; kỷ cương xã hội bị coi nhẹ. Ban hành văn bản pháp luật nhằm mục đích hướng dẫn người dân nhưng có khi cũng sẽ tác động đến quyền lợi, thói quen của họ, do đó vẫn có một bộ phận thường có tâm lý lẩn tránh pháp luật.
Người dân luôn thăm dò động thái của nhà nước. Nếu sau khi ban hành mà nhà nước không tổ chức tốt việc thực thi thì người dân cũng sẽ không chấp hành.
Hãy để dân giám sát
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, các văn bản pháp quy hiện nay ít tính khả thi có nguyên nhân là không phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân?
- Từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã chỉ đạo các cơ quan nhà nước khi xây dựng văn bản, bắt buộc phải lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là các đối tượng có nghĩa vụ thi hành. Quy định này giúp các văn bản đề cập được trúng và sát vấn đề. Tuy nhiên, dù cố gắng thực hiện nhưng trong một số trường hợp do nhiều nguyên nhân như thời hạn ban hành gấp gáp, nhiều cơ quan đã bỏ qua nguyên tắc này hoặc làm một cách hình thức, đối phó.
TS Nguyễn Đình Lộc
Với các quy định hiện nay, một văn bản có rất nhiều “con mắt” nhìn vào. Cấp trên giám sát văn bản cấp dưới; văn bản của các bộ ngành phải gửi cho Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp). Tuy nhiên, điều này đôi khi chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, sau khi văn bản ban hành phát sinh nhiều vấn đề là điều khó tránh khỏi.
Do đó, chúng ta cần phải kịp thời sửa đổi, bổ sung, tăng cường việc giám sát, kiểm tra công tác soạn thảo văn bản. Đặc biệt, phải lắng nghe ý kiến những người trực tiếp bị tác động; đừng áp đặt ý chí chủ quan trong các quy định được ban hành.
Một thực trạng rất phổ biến hiện nay là văn bản ban hành dù rất nghiêm nhưng việc tổ chức thực hiện rất hạn chế. Chính việc này dẫn đến thất bại của không ít chính sách hay các lệnh cấm?
- Một điều kiện để pháp luật được tôn trọng là chế tài. Trong mỗi luật được ban hành thường có rất nhiều điều cấm và đi kèm theo là chế tài. Tuy nhiên, phần xử lý vi phạm trong một văn bản luật là nơi đề cập đến chế tài thường được quy định lại rất chung chung.
Các nghị định, thông tư có phần "tổ chức thực hiện" cũng rất ngắn gọn. Văn bản này ban hành phải chờ văn bản hướng dẫn rồi mới áp dụng được… Qua nhiều cấp với thời gian ban hành kéo dài sẽ tạo ra khoảng trống để người ta lách luật.
Một nguyên nhân dẫn đến việc thực thi các quy định không nghiêm chính là sự thiếu rạch ròi trong quan hệ xã hội. Đến nay, tại nhiều cơ quan đang tồn tại quan hệ tình cảm, tình đồng chí, tình bạn hữu. Nhân viên gọi sếp bằng chú xưng cháu; sếp gọi nhân viên bằng con xưng bác… Đây là thói quen có tác hại ghê gớm, tạo điều kiện cho cái hợp pháp và bất hợp pháp chung sống với nhau.
Dân khiếu kiện cơ quan công quyền là việc bình thường
Để hạn chế việc ban hành những văn bản trái luật, kém chất lượng, theo ông, việc đầu tiên phải làm là gì?
- Một vấn đề được nhiều người đặt ra là cần đào tạo đội ngũ cán bộ soạn thảo văn bản có chuyên môn giỏi. Hiện nay, Vụ trưởng Vụ Pháp chế ở các bộ liệu có phải là thạc sĩ, tiến sĩ luật không? Thông thường người làm việc này chỉ dựa trên thực tế của bộ máy mà chưa hẳn đã căn cứ vào chuyên môn. Việc đào tạo chuyên môn cho chức danh này thực tế cũng đã triển khai nhưng chỉ mang tính đối phó chứ chưa làm một cách chuyện nghiệp.
Ngay từ thời cổ đại, Khổng Tử nói: "Học giỏi mới ra làm quan" nhưng bộ máy chúng ta hiện nay đang thịnh hành cách làm việc là: Vừa học vừa làm. Chưa kể, nhiều người chuyên về pháp luật, làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế của một bộ sau một thời gian tỏ ra xuất sắc lại được chuyển sang vị trí khác mà không chuyên môn hoá họ.
Với số lượng văn bản hàng năm nhiều như hiện nay, không chỉ đào tạo ban đầu mà các chuyên viên, cán bộ soạn thảo văn bản pháp quy phải được bồi dưỡng hàng năm. Ở các nước, dù chuyên môn giỏi nhưng hàng năm, các chuyên gia soạn thảo văn bản đều phải bồi dưỡng lại.
Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước đưa đến cho người dân một cách thức quan trọng để giám sát các quyết định, các văn bản của nhà nước. Tuy nhiên, số vụ việc công dân khiếu kiện cơ quan công quyền là rất hiếm hoi, vì sao như vậy?
- Luật này được ban hành là một biểu hiện rất đáng trân trọng thể hiện tính dân chủ của xã hội. Tôi hoàn toàn ủng hộ, phải xem người dân khiếu kiện cơ quan nhà nước là vấn đề rất bình thường trong một xã hội dân chủ. Nếu vi phạm pháp luật, làm hại đến dân, bất kỳ ai cũng có thể bị kiện ra toà. Chúng ta đã lập Toà án Hành chính để xử lý những sai phạm của công chức nhưng toà án này rất ít việc.
Một khi người dân có thể khiếu kiện cán bộ của cơ quan nhà nước ra toà, phải đền bù thì trước khi được ký, thông qua, một văn bản, một quy định nào đó, cán bộ nhà nước sẽ nghiên cứu kỹ càng, cân nhắc đúng sai thấu đáo. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, đụng chạm đến nhiều người nên việc thực thi trên thực tế không dễ, cần phải có quá trình.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực - Lê Hân (thực hiện)