Đây là kết quả sau 50 lần tổ chức, thăm dò ý kiến người tiêu dùng của loạt chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" trong giai đoạn 1.
Người dân Trà Vinh mua hàng Việt do doanh nghiệp đưa về |
Nhắm đúng đích
Qua 50 lần tổ chức chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn", doanh số các doanh nghiệp tăng mạnh, có doanh nghiệp tăng 2 đến 3 lần. Chẳng hạn, Công ty TNHH DV-TM-SX Việt Sin sau 4 tháng tham gia hội chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Tịnh Biên, An Giang, doanh số đã tăng 200% so với trước. Đại diện công ty cho biết, từ khi tham gia chương trình, số đại lý cấp 2, cấp 3 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, An Giang, Bến Tre tăng rõ rệt.
Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc đối ngoại Công ty Nutifood thừa nhận: "Quá trình đồng hành cùng "Hàng Việt về nông thôn", sản phẩm của công ty được bà con đón nhận nồng nhiệt, doanh thu tại thị trường nông thôn tăng hơn 200% so với năm 2009, chiếm hơn 50% tổng doanh thu".
Không chỉ doanh số công ty tăng, thị trường tiêu thụ mở rộng, khi tham gia hội chợ "Hàng Việt về nông thôn" nhà sản xuất nắm được nhu cầu của người dân, từ đó bám chắc thị trường hơn.
Ông Trần Kỳ Quang (Công ty TNHH SX TM XNK Vĩnh Thuận) cho biết, trước đây công ty phân phối ra thị trường sản phẩm đóng bao 10kg. Khi tham gia hội chợ, thấy nhu cầu người dân mua với số lượng ít hơn, công ty đã điều chỉnh sản phẩm đóng gói nhỏ hơn với trọng lượng trên dưới 1kg, nhờ đó được đón nhận nhiều hơn. Từ đó, doanh số của Vĩnh Thuận tăng hơn 20% so với trước.
Riêng với người dân, nhờ những phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” mà họ có cơ hội tiếp cận được hàng chất lượng cao, giá rẻ. Chị Nguyễn Thị Mỹ Trang (Trà Vinh) cho biết, quan trọng là sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng cũng an tâm hơn.
Vạch đúng hướng
Trước những thành công bước đầu mà các doanh nghiệp tham gia vào loạt chương trình "Hàng Việt về nông thôn" đạt được, cũng như người tiêu dùng từng bước chuyển từ dùng hàng ngoại (Trung Quốc, Thái Lan…) sang dùng hàng Việt, BSA đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh vẽ ra bản đồ phân phối hàng Việt tại tỉnh Trà Vinh.
Để có được một bản đồ hoàn chỉnh, BSA và Sở Công Thương Trà Vinh đã khảo sát 250 điểm bán lẻ và các đại lý trên toàn bộ 8 đơn vị hành chính của tỉnh; khảo sát 410 người tại TP. Trà Vinh và 3 huyện là Trà Cú, Châu Thành và Duyên Hải; khảo sát 500 người đại diện cho hộ gia đình địa bàn nông thôn.
"Có được bản đồ phân phối hàng Việt, các doanh nghiệp, cơ sở thấy ngay nhu cầu của người tiêu dùng đang cần món hàng gì, chất lượng ra sao, chế độ hậu mãi như thế nào… Doanh nghiệp chỉ việc xuống tận nơi đã được đánh dấu trên bản đồ, thương lượng với các điểm bán lẻ, đại lý… để phân phối hàng đến tay người tiêu dùng nông thôn"- bà Vũ Thị Kim Hạnh, đại diện BSA khẳng định.
Ngược lại, doanh nghiệp phải xây dựng kho bãi ở nơi mình muốn đưa hàng về, nguồn hàng cung cấp phải đạt chất lượng, phân phối cho các điểm bán lẻ, đại lý bất cứ lúc nào họ yêu cầu... Ông Trần Hữu Đức cho biết Nutifood sẽ đầu tư xây dựng kho bãi, nhà máy đông lạnh, xe cộ… để kịp thời phân phối hàng đến tay người tiêu dùng.
Bà Hạnh khẳng định sau thành công ở Trà Vinh, BSA sẽ đề ra kế hoạch lập bản đồ phân phối hàng Việt ở các tỉnh mà doanh nghiệp cần. Xa hơn sẽ thiết lập một bản đồ phân phối hàng Việt trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng lo ngại nếu các địa phương và chính quyền các cấp không quan tâm hỗ trợ (thông tin, kinh phí…) thì BSA rất khó hoàn thành.
Huỳnh Văn