Một nhóm các game thủ thừa nhận rằng họ nghiện game online (GO) bởi nó có những điểm cuốn hút mạnh mẽ như hình ảnh, các tình tiết và nội dung hay, và đặc biệt các nhà cung cấp luôn luôn tạo ra sự mới mẻ, hấp dẫn sự khám phá của người chơi. Một nhóm khác lại khẳng định, chơi GO quan trọng hơn cả là sự khẳng định mình đối với những người cùng chơi khác về khả năng, đẳng cấp chơi.
Game online hấp dẫn người chơi bởi các hình ảnh, tình tiết và nội dung hay, mới mẻ |
Đáng lưu ý, có một số cho rằng, bản thân người chơi tìm đến GO không phải xuất phát từ phía GO, nhà cung cấp dịch vụ mà lại do từ phía gia đình, người thân thiếu sự quan tâm đúng mức với những đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.
Bên cạnh các cách lý giải nói trên, việc một số bộ phận “nghiện” GO còn xuất phát từ nguyên nhân thiếu kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát bản thân, thời gian của mình. Điều này được giải thích là do gia đình và nhà trường chưa giúp các em học sinh có được các kỹ năng này để “đề kháng” với các “cạm bẫy” trong cuộc sống.
Theo kết quả một khảo mới đây về dịch vụ Trò chơi trực tuyến ở Việt Nam do các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Xã hội học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện, trung bình thời gian dành cho chơi GO là 12,9 giờ/tuần, tương đương khoảng 1,8 giờ/ngày.
Tuy nhiên, khảo sát này cũng chỉ ra rằng, thực trạng “nghiện” GO hiện nay ở Việt Nam không thực sự trầm trọng như phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua, bởi tỷ lệ người có dấu hiệu “nghiện” GO theo tiêu chuẩn của WHO không cao.
Bên cạnh đó, các cách lý giải khác nhau về nguyên nhân của thực trạng này cũng cho thấy bản thân các nhà cung cấp dịch vụ GO cũng như các trò chơi GO không phải là nguyên nhân duy nhất mà bên cạnh đó còn xuất phát từ sự quan tâm, quản lý chưa đứng mức của gia đình, nhà trường và do bản thân người chơi còn thiếu những kỹ năng sống cần thiết.
Khánh Linh