Dân Việt

Các trung tâm dạy nghề: Cần sự phối hợp của doanh nghiệp

20/10/2010 15:48 GMT+7
(Dân Việt) - Để thực hiện được nhiệm vụ tạo việc làm cho tối thiểu 80% lao động đã qua học nghề thì các trung tâm dạy nghề rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phối hợp rất khó khăn...
img
Các doanh nghiệp vẫn thiếu nhiều lao động có chất lượng.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia dạy nghề

Đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Thường Tín đã tổ chức và đào tạo các nghề phi nông nghiệp như mộc, thêu, mây tre đan và may cho hơn 200 lao động. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% số lao động được đào tạo sử dụng được kiến thức đã học để làm nghề kiếm sống. Số còn lại hoặc không xin được việc, hoặc chỉ đem những kiến thức đã học được để phục vụ nhu cầu của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Minh, xã Vạn Điểm, học viên lớp mộc tâm sự: “Học nghề xong nhưng không xin được việc theo mong muốn, không sống được bằng nghề đã học tôi đành phải quay về làm nông nghiệp, thỉnh thoảng làm một hai cái ghế cho mấy người hàng xóm để đỡ… nhớ nghề”.

Điều này dẫn đến việc một số nông dân không mặn mà với việc học nghề, gây lãng phí kinh phí dạy nghề. Để thực hiện được nhiệm vụ tạo việc làm cho 80% lao động sau khi đào tạo thì rất cần có sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp, các nhà máy.

Huyện Thường Tín là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Quá trình đô thị hóa diễn ra càng mạnh thì diện tích đất phục vụ nông nghiệp càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các nhà máy, các khu công nghiệp… và việc tạo việc làm cho những nông dân mất đất là một trong những nhiệm vụ cần được làm ngay. Trong những năm tới đào tạo nghề phi nông nghiệp sẽ là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Thường Tín.

“Tuy nhiên, việc liên kết với các doanh nghiệp rất khó khăn” - ông Dương Đức Việt - cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ.

Hơn 50% lao động chưa được đào tạo

Tìm hiểu thực tế này, chúng tôi được biết, việc đào tạo của các trung tâm dạy nghề thường sơ sài nên doanh nghiệp không “mặn mà”. Nhưng để doanh nghiệp tự đứng ra tuyển, đào tạo lao động thì kinh phí đào tạo sẽ rất tốn kém mà chất lượng chưa chắc đã được đảm bảo, hoặc doanh nghiệp đào tạo chuyên sâu, chỉ phù hợp với dàn máy móc của doanh nghiệp đó.

Để học viên đáp ứng được nhu cầu của người lao động thì cần có sự phối hợp giữa các trung tâm dạy nghề và các công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động. Việc này đòi hỏi các trung tâm dạy nghề phải có sự phối hợp linh hoạt với doanh nghiệp, có sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo chính sách dạy nghề, thực hành nghề phù hợp nhất với lao động, góp phần tổ chức dạy nghề hiệu quả và có định hướng rõ ràng, nghiêm túc.

Ông Phạm Văn Cường -Phó Tổng giám đốc Công ty CP gang thép Hàn – Việt (Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay công ty có hơn 400 công nhân, trong đó chỉ có 50% số công nhân được đào tạo một cách bài bản. Từ năm 2008 đến nay, công ty đã phối hợp với phòng LĐ–TB&XH huyện Thường Tín tổ chức dạy 4 lớp vận hành cầu trục”.

Cũng theo ông Cường, khi doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề không những người lao động được hưởng lợi mà chính các doanh nghiệp, các trung tâm dạy nghề cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo ông Cường, thời gian của một khóa học chỉ là 3 tháng nên chỉ có thể dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không thể đi vào dạy chi tiết được. Vậy cách nào để “dung hoà” được thực tế trên?

Theo khảo sát của NTNN, cách thức được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất là đào tạo nghề sơ cấp 3 tháng, 6 tháng cho lao động nhưng nên đào tạo theo 2 khâu: Các trung tâm dạy nghề đào tạo kiến thức cơ bản (2-3 tháng), sau đó các doanh nghiệp tổ chức cho lao động thực hành tay nghề.