Các lò gạch thủ công đang khai thác đất bừa bãi và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ảnh chụp tại Sóc Sơn, Hà Nội. |
Ông Hải cho biết: Hiện nay chưa có thống kê số lò gạch thủ công trên phạm vi cả nước. Thực tế, việc thống kê gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các lò gạch đều xây dựng một cách tự phát. Tuy nhiên, những vụ việc tai nạn liên quan đến lò gạch thủ công thì vẫn không ngừng gia tăng. Gần đây nhất là vụ tai nạn thương tâm khiến 3 người chết do ngạt khí lò gạch ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Ông có cho rằng sự tồn tại của lò gạch thủ công vẫn tiếp tục là mối hoạ lớn đối với môi trường và sức khoẻ con người?
- Điều này là không thể phủ nhận. Ở góc độ môi trường, việc khai thác bừa bãi đất canh tác, đặc biệt là đất trồng lúa, để làm gạch khiến diện tích đất sản xuất thu hẹp lại. Trong khi đó, theo nghiên cứu ban đầu, có đến 50% diện tích đất ở đồng bằng có thể làm nguyên liệu làm gạch.
PGS-TS Lưu Đức Hải
Nếu lò gạch thủ công tiếp tục "ăn" đất như hiện nay thì nền nông nghiệp sẽ bị đe doạ. Hơn nữa, thực tế, việc lấy đất lại chủ yếu ở lưu vực các con sông nên vấn đề dòng chảy và đê điều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, các chất khí thải từ các lò gạch thủ công như CO, CO2, SO2..., đặc biệt là khí CO rất dễ gây ngạt khí và tử vong cho con người.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự ra đời ồ ạt và tồn tại dai dẳng của lò gạch thủ công?
- Lò gạch thủ công do người dân tự làm, có thể sản xuất quy mô gia đình, tận dụng lao động lúc nông nhàn và nguồn nguyên liệu (đất nông nghiệp) tại địa phương. Họ chỉ phải bỏ tiền mua than. Hơn nữa, sản phẩm đầu ra (gạch) không cần chất lượng cao. Mỗi lò gạch thủ công bình thường cũng đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Những yếu tố trên khiến cho lò gạch thủ công vẫn thi nhau được lập và ngang nhiên tồn tại.
Nhiều ý kiến cho rằng lò gạch thủ công phát triển tự phát và những mối nguy hại do ô nhiễm môi trường là do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại, trong đó có việc thực thi chưa nghiêm túc Quyết định 115 của Chính phủ?
- Không chỉ riêng vấn đề xử lý lò gạch thủ công mà nhiều vấn nạn khác như khai thác cát, khoáng sản... trái phép vẫn chưa được xử lý triệt để. Có thể chính quyền các địa phương chưa cập nhật các thông tin về các chính sách pháp luật của nhà nước cho nên quản lý, xử lý lỏng lẻo. Nhưng theo tôi nghĩ, ở các vùng nông thôn, tính cố kết cộng đồng cao nên việc xử lý đôi khi còn mang tính vị nể. Các cụ chẳng có câu “phép vua còn thua lệ làng” đó sao.
Người dân nơi đây chủ yếu là làm gạch |
Xét ở góc độ luật pháp về môi trường, ông có cho rằng đang có những bất cập?
- Đúng là hiện nay, hệ thống luật pháp về môi trường đang có những khoảng trống, hoặc quá thừa hoặc quá thiếu. Chỉ riêng chỉ tiêu môi trường để kiểm soát hệ thống khí thải, trong đó có khí lò gạch đã có hơn 100 tiêu chí. Tôi nói thật, dù có hệ thống máy móc hiện đại nhất VN hiện nay, các phòng thí nghiệm lớn tại Hà Nội cũng không thể đo đếm được hết các chỉ tiêu trong bộ tiêu chuẩn đó.
Thế mới dẫn đến một thực tế là loại chất thải nguy hiểm nhất thì họ không đo hoặc không đo được mà chỉ đo các chỉ tiêu thông thường không ô nhiễm và thế là đạt tiêu chuẩn, được phê duyệt. Chúng tôi đang đề nghị Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) điều chỉnh, bổ sung thêm tiêu chuẩn môi trường cho các khu sản xuất đặc thù (moong khai thác khoáng sản, làng nghề và cả lò gạch nữa) trong thời gian tới.
Hữu Thông (thực hiện)