Phó Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên Lê Văn Lãng cho biết, dự án này đã được triển khai từ năm 2008, người dân đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng với mức hỗ trợ, bồi thường là 43,5 triệu đồng/sào. Nhưng tới 5.2011, người dân lại yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư xem lại mức bồi thường, hỗ trợ do thấy người dân ở xã liền bên là xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được đền bù, hỗ trợ cao hơn nhiều lần: 236 triệu đồng/sào.
Dù trời mưa, người dân vẫn dựng lán trại trên khu vực thi công. |
Tuy nhiên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sau khi xem xét kiến nghị đã trả lời rằng những kiến nghị của người dân không có căn cứ pháp lý để xem xét bởi mức giá đền bù vào thời điểm 2008 là dựa vào NĐ 84. Còn người dân ở xã Tân Dân được đền bù sau này thì áp theo NĐ 69. Hơn nữa, về mức đền bù, hỗ trợ giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc cũng có sự chênh lệch đáng kể, không thể đánh đồng với nhau.
Không đồng tình, nhiều hộ dân ở xã Nam Viêm đã dựng lều trại ngay tại khu vực thi công để ngăn trở đơn vị thi công làm việc. Đến chiều 6.8, khi PV có mặt tại hiện trường, vẫn có hàng chục người dân đang dựng lều trại tại đây. Trao đổi nhanh với PV, một số người dân cho biết, họ không đồng tình giao đất lại vì mức đền bù quá thấp so với mức đền bù, hỗ trợ mà người dân xã liền kề là xã Tân Dân, Sóc Sơn (Hà Nội) được hưởng.
Cũng trong ngày 6.8, trả lời câu hỏi của PV về việc sẽ áp dụng biện pháp nào để giải quyết mâu thuẫn với người dân trong tình hình vừa qua có nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất đai gây dư luận không tốt, ông Khổng Sơn Trường – Bí thư Thị ủy Phúc Yên khẳng định đây không phải là cưỡng chế thu hồi đất mà chỉ là bảo vệ thi công.
Ông Trường cũng nói thêm, phương châm nhất quán của tỉnh trong giải quyết vấn đề này là phải kiên trì thuyết phục, vận động người dân để đạt được sự đồng thuận. “Chỉ trong trường hợp xấu nhất, nếu có xảy ra chống đối thì chúng tôi mới cho lực lượng công an vào can thiệp” - Bí thư Trường khẳng định.
Hải Phong