Tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp về Chính sách tạm trữ lúa gạo theo hướng phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo qua UBND cấp tỉnh và bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho nông dân (ND), chiều 7.8, Bộ NNPTNT đề xuất: Khối lượng tạm trữ vụ đông xuân tối đa 1 triệu tấn quy gạo, vụ hè thu tối đa 1,5 triệu tấn quy gạo/năm.
Các chỉ tiêu phân bổ cho UBND cấp tỉnh sẽ dựa theo tỷ lệ sản lượng lúa của vụ đông xuân và hè thu của năm trước đó…
Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hoàn thiện sẽ giúp đời sống nông dân trồng lúa được cải thiện. |
Bộ cũng đề xuất các hình thức tạm trữ: Hộ ND tạm trữ tại nhà; tổ hợp tác, HTX, tạm trữ lúa tại kho doanh nghiệp có cánh đồng mẫu lớn hoặc các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo được VFA; doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo có hợp đồng mua lúa, gạo trực tiếp với ND thông qua hợp đồng ký với hộ ND, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc chính quyền địa phương. Cơ chế hỗ trợ tài chính: Hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ ND, doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa 3 tháng.
Ông Lê Văn Thi – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng việc thực hiện tạm trữ cực kỳ khó bởi không phải ND nào cũng có điều kiện để tạm trữ. Bên cạnh đó, cơ chế vay vốn ngân hàng hiện chưa thống nhất, nên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA cũng cho rằng: “Dự thảo quy chế này khá lý tưởng nhưng chưa làm được vì có quá nhiều chuyện phải bàn kỹ, nghiên cứu thêm, như kho bãi, vốn vay...”.
Mặc dù không kết luận hội nghị, song chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: Cần thiết sẽ điều tra có bao nhiêu nông dân, tổ chức hợp tác DN đủ điều kiện tạm trữ mua trực tiếp lúa trong dân. Vấn đề đặt ra là cách hỗ trợ ND tạm trữ thế nào cho tốt nhất, cần thiết làm thí điểm ở một số tỉnh, thành rồi nhân rộng ra. Cũng theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khoảng một tuần nữa sẽ có văn bản chính thức gửi các bộ ngành để hoàn thiện về quy chế tạm trữ lúa gạo.
Về những lần tạm trữ trước, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Phương thức mua tạm trữ thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, như không kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hầu như không mua lúa trực tiếp từ ND mà chủ yếu mua lúa qua thương lái. Điều này khiến người ND không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ của Nhà nước”.
Đại diện một số địa phương cũng cho rằng, việc thu mua tạm trữ lúa, gạo vừa qua còn bộc lộ một số hạn chế, như nông dân cần bán lúa nhưng doanh nghiệp chỉ mua gạo...
Đức Khánh