Dân Việt

Lĩnh vực tam nông vẫn khó vay vốn

08/08/2012 10:10 GMT+7
(Dân Việt) - Nguồn vốn lãi suất thấp đã lan tỏa vào nền kinh tế, tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp, nông dân chưa thể tiếp cận vốn vẫn tiếp tục tái diễn.

Báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM) những ngày gần đây cho thấy, nguồn vốn lãi suất thấp đã lan tỏa vào nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp, nông dân chưa thể tiếp cận vốn vẫn tiếp tục tái diễn.

Vốn ưu đãi đã chảy...

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua báo cáo của 69 tổ chức tín dụng đến ngày 2.8 cho thấy dư nợ cho vay bằng VND đối với các khoản vay có mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 3,4%; mức lãi suất từ 10%/năm đến 13%/năm chiếm tỷ trọng 18,5%; mức lãi suất trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỷ trọng 49,1%; mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng là 29,1%, giảm khoảng 60% so với tỷ trọng trước ngày 15.7.

img
Người chăn nuôi ở khu vực nông thôn vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

Đại diện NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NHTM cổ phần Đông Á (DongAbank) cho biết: Nhiều gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi 11 - 13%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên đang được gấp rút triển khai. Đặc biệt, 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên vốn tín dụng tiếp tục được tập trung theo đúng định hướng của NHNN. Hiện tổng dư nợ cho vay trên địa bàn TP.HCM đạt 26.612 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn là 3.866 tỷ đồng.

“Chưa có một điều tra thực tế nào cho biết có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn “giá rẻ”. Nhưng, dựa trên số liệu báo cáo, nói một cách công bằng, dù ít, dù nhiều nguồn vốn “rẻ” đã bắt đầu chảy về các lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế. Thế nhưng, không phải mọi lĩnh vực ưu tiên, mọi đối tượng ưu tiên đều đã tiếp cận được với nguồn vốn này”- một chuyên gia tài chính, kinh tế chia sẻ với phóng viên NTNN như vậy

Chưa đến địa chỉ ưu tiên

Trên thực tế, không giống như các công ty lớn có thể tiếp cận nguồn vốn hoặc sử dụng vòng quay vốn để đầu tư, các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là những hộ nuôi lợn, gà,… đang thiếu nguồn tài chính để tái sản xuất. Do thua lỗ kéo dài, nhiều chủ trại không còn đủ tiền mua cám cho lợn đã đề nghị Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai làm việc với ngân hàng cho họ thế chấp lợn để lấy tiền mua cám cho lợn ăn. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng ở Đồng Nai đã từ chối đề xuất này với lý do họ không kiểm soát được đàn lợn của dân.

Cùng cảnh ngộ, ông Uông Toàn (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: Gia đình muốn mở rộng trang trại nhưng lại vướng vì không có vốn. Bao nhiêu tài sản đã thế chấp, của cải hiện có là đàn lợn 50 con chưa xuất chuồng được. Chạy tới chạy lui tới Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp đều nhận được cái “lắc đầu”- ông Toàn cho biết.

Thành lập mới gần 49.000 doanh nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2012 là 46.818 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 42.349. Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng có 20.741 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh. Đáng chú ý, trong tháng 7 có 937 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân, khi có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng đều từ chối nhận tài sản thế chấp bằng ruộng đất, do lo ngại sang năm 2013 ruộng đất của hộ nông dân có thể có biến động, người vay vốn có thể không được tiếp tục sử dụng mảnh đất đó. Hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi thì ngân hàng không “mặn mà” vì: “Chưa có tiền lệ”, “chưa có hướng dẫn cụ thể”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank thừa nhận: Trong chính hệ thống Agribank các chi nhánh cũng phòng xa các loại tài sản ruộng đất thế chấp đối với khoản vay nông nghiệp. Lãnh đạo một NHTM ở Hà Nội cũng cho biết:

Ngân hàng gặp khó khăn trong việc chấp nhận các sản phẩm nông nghiệp để thế chấp bởi phần lớn các sản phẩm nông nghiệp (chăn nuôi và nuôi trồng) đều không có bảo hiểm hàng hoá. Ngân hàng không thể “yên tâm” với chất lượng hàng hóa, quản lý tài sản sau khi đã định giá nên khó đảm bảo tiêu chí khi cho vay.