Dân Việt

Một lòng với câu hát văn...

09/08/2012 10:22 GMT+7
(Dân Việt) - Càng đến gần, nhịp phách, tiếng đàn, lời ca điệu hát văn… càng nghe rõ hơn. Khi dồn nhịp phách lúc réo cung tơ hòa cùng tiếng hát rộn ràng mê đắm lòng người.

Đó là không khí của một buổi học hát văn tại nhà thầy giáo, NSƯT Nguyễn Duy Ninh, ở xóm Bắc Bình, xã Phú Châu (Đông Hưng, Thái Bình).

NSƯT Nguyễn Duy Ninh sinh năm 1929 ở vùng quê được xem là một trong những cái nôi hát chèo, nơi đã sản sinh ra biết bao những thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như các cụ Bông, cụ Na, cụ Điền, cụ Trạch… Chính vùng quê giàu truyền thống nghệ thuật chèo cổ đã ấp ủ nuôi dưỡng ước mơ trở thành nghệ sĩ dân ca cổ truyền của nghệ sĩ Nguyễn Duy Ninh.

img
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Duy Ninh nắn nót một bản đàn.

Bên cạnh việc đi dạy ở các địa phương, nghệ sĩ Duy Ninh còn mở lớp dạy đàn, hát văn ngay tại nhà mình. Lớp học của thầy Ninh thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi. Họ đến từ những vùng quê khác nhau nhưng đều có một điểm chung là đam mê nghệ thuật hát văn truyền thống. Lớp học mở đều đặn vào tất cả các ngày trong tuần và thường bắt đầu vào mỗi buổi tối cho đến mãi tận khuya. “Có hôm tôi mở cửa đón các cháu, nhưng chờ mãi không thấy ai đến. Tôi đành đóng cửa đi ngủ. Hôm sau hỏi tại sao các em không đến học thì chúng bảo: “Bọn em còn bận đi buôn… đồng nát ở tận làng bên, không về học được”- thầy Ninh kể.

Nghệ sĩ Duy Ninh giải thích: “Bạn thử nghĩ xem, tại sao những người học hoặc theo đuổi nghệ thuật truyền thống cứ dần mai một, ít đi. Theo tôi, trong đó có sự thiếu quan tâm của những người có trách nhiệm. Ngay như lớp học của tôi, dạy hoàn toàn miễn phí cho các cháu nhưng cũng rất hiếm người đến học. Lúc nhiều lắm thì độ khoảng 20 học viên, song rồi bỏ dần bỏ mòn. Hỏi thì chúng bảo, chúng em ngày đi buôn đồng nát được 100.000 đồng/ngày, trong khi đi học lại chẳng có công. Nếu cứ đi hát không như thế này thì chúng em lấy gì mà sống”.

Nghe những tâm sự của người nghệ sĩ năm nay đã 83 tuổi, chúng tôi bùi ngùi và thương cảm cho tâm nguyện của ông. Lớp học của thầy Ninh lúc nào cũng mở cửa, như tấm lòng yêu thương tha thiết của ông dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc, chỉ có điều, không phải lúc nào, trên chiếc chiếu hoa đầu hồi cũng rộn ràng tiếng đàn ca.