Đi tìm cái quả “nâng hời”
Lớp học hát quan họ của Hội Người cao tuổi Tiên Du trong ngày khai giảng. |
Nhận lời mời của thầy giáo lớp quan họ - Nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa, chúng tôi có mặt dự lễ khai giảng của khóa học mới năm 2013 diễn ra hơn một tháng sau hội Lim. Sau khi tổng kết và nhìn lại một chặng đường quan họ Tiên Du đã qua, thầy Thoa nói về phương hướng cho lớp học trong năm 2013. Thầy đánh giá: “Năm 2012, lớp quan họ chúng ta đã học được gần 150 câu hát đối đáp. Tuy lớp học được nhiều nhưng chưa đạt yêu cầu về chất lượng và tính nghệ thuật. Vì thế năm nay, lớp sẽ học lại và chú trọng đến chiều sâu của câu quan họ khi hát”.
Ông Nguyễn Minh Đoàn
Sau lời đánh giá, thầy Thoa bắt đầu vào buổi học. Tôi cùng các thành viên trong lớp hồ hởi chuẩn bị giấy bút chép lại lời bài hát. Bài học hôm đó là bài “Dọn quán bán hàng” giọng “luống tính” theo kiểu hát của các cụ làng Trà Xuyên (phường Thị Cầu, TP. Bắc Ninh). Sau khi chép xong lời thơ, mọi người chép đến đoạn luyến láy.
Công đoạn này được làm rất kỹ, phải mất hơn 1 giờ cả lớp mới chép xong. Tôi thắc mắc, sao mọi người không photocopy lời bài hát cho nhanh, thầy Thoa mỉm cười: Trước đây lớp cũng đã làm như vậy nhưng như thế khó nhớ lời lắm, chép bằng tay tuy có lâu nhưng giúp mọi người nhanh thuộc và nhớ lâu hơn.
Sau khi cả lớp chép xong, thầy Thoa tiến hành “thổi hồn” cho bài hát bằng cách hát mẫu một lần rồi mới cho mọi người học. Ngừng lại một chút, uống ngụm nước để lấy hơi, thầy Thoa cất lên giọng hát “vang, rền, nền, nẩy” bài quan họ cổ “Dọn quán bán hàng”.
Cả lớp im phăng phắc lắng nghe từng lời. Hát xong, thầy còn giải thích rất cặn kẽ ý nghĩa của bài hát này: Đây là một bài hát rất duyên dáng của một người khách qua đường với cô bán hàng Kinh Bắc. Mặc dù là mới gặp nhau nhưng “... nói cái nỗi như duyên tình sao khéo duyên sao khéo bén duyên...” và đã là cái duyên thì phải “... có cái quả như nâng hời nâng ơ hỡi đôi người nâng...”.
Một học viên thắc mắc về cái “quả nâng hời” trong lời bài hát, thầy Thoa nhiệt tình giảng giải: “Cái “quả nâng hời” là một sự sáng tạo đầy dụng ý nghệ thuật của người sáng tác. Trong hàng quán của cô bán hàng có rất nhiều thứ quả, nhưng khách lại muốn tìm cái quả “nâng hời”. Nâng ở đây là sự nâng niu trân trọng. Và cái quả nâng hời ấy tượng trưng cho tình cảm của đôi bên cần phải “đôi người nâng” cùng nhau gìn giữ”... Có ngồi nghe thầy Thoa giải thích mới biết được sự sáng tạo của dân gian là lớn như thế nào.
Gìn giữ quan họ gốc
Lớp học của thầy Nguyễn Hữu Thoa mở đã gần 7 năm nay luôn thu hút khá đông thành viên. Ông Nguyễn Minh Đoàn- lớp trưởng cho biết: “Lớp học của chúng tôi được mở từ năm 2006, thường xuyên có khoảng trên 50 thành viên và mỗi năm lại có thêm nhiều học viên mới. Từ ngày mở lớp học của Hội Người cao tuổi huyện Tiên Du, chúng tôi đã xác định chỉ dạy và học những bài quan họ cổ để góp phần lưu giữ những câu hát quý này”.
Trong buổi học đầu tiên của năm 2013, lớp đã thu hút được hơn 50 người đến học, trong đó có 3 người mới. Các học viên đến với lớp học với gương mặt rạng ngời và tràn đầy tâm huyết, nhiều người ở rất xa như Đông Anh (Hà Nội), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cách thị trấn Lim gần 50 km cũng thường xuyên đến học.
Chia sẻ suy nghĩ về lớp học miễn phí này, thầy Thoa tâm sự, trước khi mở lớp học này, ông cùng ông Nguyễn Văn Đặng đã mở một lớp ở xã Phú Lâm. Sau một thời gian, phong trào hát quan họ ở đây phát triển mạnh, đến nay xã đã thành lập được 5 câu lạc bộ. Thấy mô hình có hiệu quả, họ tiếp tục mở lớp học ngay tại thị trấn Lim. Lớp học là nơi để những nghệ nhân như thầy Thoa được giao lưu cùng những người yêu quan họ ở mọi miền đất nước, đồng thời bảo tồn lưu giữ những vốn liếng quan họ cổ. Đây là một “báu vật” mà không tiền bạc nào có thể mua được.
Chúng tôi chia tay lớp học quan họ khi mặt trời đã bắt đầu khuất dần sau rặng tre xanh, trong lòng vẫn cứ vấn vương mãi với câu hát “... có cái quả như nâng hời nâng ơ hỡi đôi người nâng...” trong bài hát vừa mới học được. Hy vọng người dân ở vùng quan họ Bắc Ninh sẽ cùng nhau “nâng hời” những giọng điệu mượt mà của quan họ này như những học viên của lớp học dưới chân đồi Lim, để khẳng định được giá trị một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đông Xuyên