Quy định “tự trói”
Đóng gói hoa xuất khẩu tại Đà Lạt. |
Công ty TNHH Agrivina Đà Lạt Hasfarm - một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu hoa hàng đầu trên địa bàn TP.Đà Lạt hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập giống hoa về để sản xuất do quy định kiểm dịch PRA mà Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) ban hành.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, vấn đề ngăn chặn dịch hại trong nhập khẩu giống hoa là đương nhiên. Trong thực tế, khi được yêu cầu cung cấp thông tin để thực hiện PRA, vẫn có những đối tác nước ngoài sẵn sàng hợp tác, nhưng cũng có những doanh nghiệp tìm cách thoái thác, vì trong “tờ khai” để thực hiện PRA theo quy định của Việt Nam, có những nội dung thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số đại diện các doanh nghiệp kinh doanh hoa trên địa bàn TP.Đà Lạt cũng cho rằng, việc thực hiện PRA là công việc của cơ quan kiểm dịch Việt Nam chứ không phải của doanh nghiệp. Bởi trên thế giới, có rất ít nước yêu cầu báo cáo thống kê dịch hại PRA như ở Việt Nam.
Một vấn đề nữa là, tại sao lại có quy định cấp phép nhập khẩu giống hoa chỉ trong 6 tháng thay cho 12 tháng như trước đây? Chưa kể, cùng một giống hoa mà đơn vị này được phép nhập, còn đơn vị kia thì không được phép nhập...
Cần sớm tháo gỡ
Theo báo cáo của Chi cục BVTV Lâm Đồng, cả tỉnh này hiện có 3.862ha hoa (sản lượng 1.338 triệu cành) và 44.159ha rau với hơn 44 chủng loại (sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn) - là vùng rau hoa lớn nhất nước.
Riêng với hoa, Lâm Đồng có hơn 90% lượng giống phải nhập khẩu từ nước ngoài về để sản xuất cây giống cung cấp cho nông dân trong tỉnh và cả nhiều tỉnh lân cận. Do những quy định quá “chặt” nói trên tại Quyết định 48/2007 và Thông tư 39/2012 của Bộ NNPTNT về phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), nên nhiều doanh nghiệp và nhà vườn Lâm Đồng đã gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu giống hoa về để sản xuất cây giống.
Trả lời thắc mắc liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Việc nhập khẩu giống cây trồng và xuất khẩu sản phẩm thực vật nông nghiệp của Việt Nam phải tuân thủ theo các quy định mang tính quốc tế, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới”. Những quy định trên là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế chứ không hề có chuyện làm khó các doanh nghiệp...
Tuy nhiên, theo ông Trung, Cục BVTV trong chức năng và quyền hạn sẽ sớm rà soát và tháo gỡ những vướng mắc nếu có, để tạo điều kiện một cách tốt nhất cho các doanh nghiệp trong thực hiện PRA.
Võ Khắc Dũng