Dân Việt

Người biểu tình Pháp tấn công kho nhiên liệu

21/10/2010 06:06 GMT+7
(Dân Việt) - Cuộc biểu tình rầm rộ ở Pháp đã bước sang ngày thứ 10, song không có dấu hiệu suy giảm, khi ngày 20-10 dòng người tiếp tục cuồn cuộn đổ về phong toả các kho cung cấp nhiên liệu thiết yếu của nước Pháp.

Đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) Rachid Mehdi ngày 20-10 cho biết, các nghiệp đoàn ở miền Nam nước này đã phong tỏa một kho chứa lớn, cung cấp nhiên liệu cho cả các sân bay dân sự và quân sự, trong đó có một sân bay do Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng. 

img
Chưa có dấu hiệu cuộc đại biểu tình diễn ra ở Pháp (từ ngày 12-10) thuyên giảm

Kho chứa Trapil, bị người biểu tình phong tỏa từ đêm 19-10, là kho cung cấp nhiên liệu cho các sân bay dân sự tại thành phố Marseille, Nice, Lyon và một số căn cứ quân sự của Pháp. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Brice Hortefeux cho biết, chính phủ đã điều động lực lượng cơ động đến để giải tán đám đông xung quanh các kho chứa nhiên liệu nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng không bị gián đoạn.

Bộ trưởng Hortefeux cũng thông báo sẽ điều động cả cảnh sát bán vũ trang tới các khu vực trọng điểm nhằm ngăn chặn những người biểu tình quá khích đang đốt phá nhiều cửa hiệu, ô tô và ném gạch đá vào cảnh sát.

Trước đó, chiều 19-10, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng người biểu tình phong tỏa các nhà máy lọc dầu và khôi phục trật tự. Khoảng 1.400 người đã bị bắt giữ vì những hành động bạo lực trong tuần qua.

Trong ngày 20-10, hàng chục nghìn sinh viên Áo đã đồng loạt xuống đường biểu tình trên nhiều thành phố lớn của nước này để yêu cầu chính phủ chi thêm ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học.

Trước tình trạng gần 1/3 trong tổng số 12.500 kho xăng trong cả nước bị ảnh hưởng bởi hoạt động biểu tình, trong đó có nhiều điểm bị thiếu hoặc cạn kiệt xăng, chính phủ đã buộc phải mở kho dự trữ chiến lược. Thủ tướng Francois Fillion cam kết sẽ nối lại việc cung cấp nhiên liệu bình thường trong những ngày tới.

Ngày 19-10 là ngày thứ 8 diễn ra biểu tình và phản đối toàn quốc với khoảng 1,1 triệu người tham gia do các nghiệp đoàn tổ chức, trước khi thượng viện bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách hưu trí dự kiến vào ngày 22-10. Chính phủ Pháp cho rằng, dự luật là cần thiết để bù đắp khoản ngân sách dành cho lương hưu đang bị thiếu hụt, vì người nghỉ hưu quá nhiều mà số người trẻ làm việc để đóng thuế lại đang thiếu.