Một lớp đào tạo nghề điện tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà). |
Đào tạo thí điểm tại 2 huyện
Khánh Hòa là một trong số 11 tỉnh trọng điểm trên cả nước thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020”. Theo dự kiến, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì cuối năm 2010, Khánh Hòa sẽ có hơn hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi, theo đó là khoảng hàng chục ngàn nông dân mất đất. Do đó, việc chuyển đổi ngành nghề cho nông dân là rất cần thiết để bảo đảm cuộc sống, an sinh xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo dạy nghề nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Để thực thi Đề án, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn, nhu cầu tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh”.
Từ nhu cầu chọn nghề học của lao động nông thôn, Ban chỉ đạo quyết định chọn 2 nhóm ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp để đào tạo thí điểm tại 2 huyện Vạn Ninh và Diên Khánh. Cụ thể: Huyện Diên Khánh sẽ được mở lớp đào tạo may công nghiệp gắn với từng doanh nghiệp để giải quyết việc làm ngoài ra triển khai mô hình nuôi gà vườn. Huyện Vạn Ninh triển khai nuôi tu hài thương phẩm, nuôi nấm bào ngư trên rơm và tập trung dạy may công nghiệp. Từ đó, rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Gỡ dần khó khăn
Hiện Khánh Hoà là tỉnh đang thí điểm việc lồng ghép Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn với Quyết định 800/QĐ-TTg của UBND tỉnh về việc xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã chi 216 tỷ đồng, chia đều 54 xã, bình quân 4 tỷ đồng/xã để phối hợp cùng các ban ngành thực thi Đề án dạy nghề và xây dựng nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động.
Tuy nguồn lực dồi dào nhưng Khánh Hoà vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc nhận thức của nông dân chưa rõ ràng, có tâm lý không muốn học nghề, hoặc một khi đã chọn nghề nhưng chưa chắc theo học”.
Ngoài ra còn có nghịch lý là những ngành nghề truyền thống đào tạo lâu nay như: Trồng cây nông nghiệp, đan lát, làm nón, đúc đồng, nghề mộc... không còn ai theo học. Trái lại các nghề may công nghiệp, điện gia dụng, trồng nấm, nuôi hải sản… thì lại được bà con quan tâm hơn nhưng nhiều trung tâm chưa tổ chức dạy được…
“Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 52 cơ sở đào tạo nghề, 10 trung tâm dạy nghề nên đảm bảo tổ chức dạy đủ theo nhu cầu của nông dân”- ông Trí nói. Vấn đề hiện nay là các trung tâm phải đi sâu kết hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức dạy nghề phù hợp với từng đối tượng lao động.
Đình Thi