“Đòn bẩy” tăng trưởng
Đầu năm 2013, không nhiều người nghĩ rằng Dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai có thể khai thác đoạn tuyến đầu tiên ngay trong năm. Bởi khi đó, hầu như trên toàn tuyến đều gặp phải tình trạng mặt bằng xôi đỗ, năng lực một số nhà thầu yếu kém. Gần như cả 8 gói thầu đều chậm tiến độ. Bộ GTVT đã phải trực tiếp chỉ đạo, làm việc với các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, mạnh tay loại bỏ các nhà thầu phụ yếu kém.
Đến nay, gói thầu đầu tiên đã được đưa vào khai thác. Theo kế hoạch, đến tháng 6.2014 dự án sẽ được thông xe toàn tuyến, mở ra cơ hội phát triển kinh tế -xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc. Ông Mai Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị chủ đầu tư cho biết: “Khi được thông xe toàn tuyến, lợi ích xã hội là rất lớn. Có địa phương đã tính toán nếu đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai được đưa vào khai thác có thể góp phần tăng GDP của tỉnh lên gấp 3 lần”.
Ngay sau khi đưa vào khai thác tạm đoạn tuyến đầu tiên, chủ đầu tư sẽ tiến hành thu phí 40.000 – 150.000 đồng/xe.
Đoạn tuyến đầu tiên được thông xe đưa vào khai thác thuộc gói thầu A1 từ Sóc Sơn (Hà Nội) đến Tam Dương (Vĩnh Phúc). VEC cho biết gói thầu A1 được đưa vào khai thác tạm thời dài 25km, đoạn nối tiếp của gói thầu A2 sẽ được tiếp tục thi công. Chiều dài toàn tuyến là 264km. Đoạn Hà Nội – Yên Bái được xây dựng 4 làn xe, rộng 25,5m, tốc độ thiết kế 100km/giờ; đoạn Yên Bái – Lào Cai có 2 làn xe, rộng 13m.
80 năm cũng không thu hồi đủ vốn
Gói thầu đầu tiên đã được đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian di chuyển từ Nội Bài đi Vĩnh Phúc chỉ còn hơn 20 phút. Khi toàn tuyến hoàn thành, thời gian đi từ Hà Nội đến Lào Cai chỉ còn khoảng 3,5 – 4 giờ so với 9 – 10 giờ như hiện nay.
|
Tương tự như đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, dù mới được khai thác tạm nhưng phía chủ đầu tư sẽ tiến hành thu phí ngay đối với các phương tiện lưu thông. Mức phí cho 5 nhóm phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến đầu tiên của cao tốc Nội Bài – Lào Cai dao động từ 40.000 – 150.000 đồng.
Cụ thể, xe dưới 12 chỗ, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt là 40.000 đồng/xe; xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ, xe trọng tải 2 tấn đến 4 tấn là 60.000 đồng/xe; xe 31chỗ trở lên, xe có tải trọng 4 tấn đến dưới 10 tấn mức thu 80.000 đồng/xe; xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở container 20 feet mức thu 90.000 đồng/xe; xe tải trọng 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet là 150.000 đồng/xe.
Nếu khách hàng lưu thông trên toàn tuyến dài 245km sẽ phải trả mức phí thấp nhất là 367,500 đồng. Đây là mức phí không hề nhỏ đối với các chủ phương tiện ở các tỉnh còn nhiều khó khăn.
Còn đại diện chủ đầu tư, ông Mai Tuấn Anh cho hay: “Chỉ tính riêng gói thầu A1 đã đầu tư 2.600 tỷ đồng, trung bình 5 – 6 triệu USD/km. Dự án có chạy 80 năm cũng thu không đủ bù chi”.