Dân Việt

Cách làm khôn ngoan của nhà đầu tư tư nhân

21/10/2010 17:38 GMT+7
Dân Việt - Cách làm khu tái định cư đi trước một bước, để ngăn ngừa nạn giải phóng mặt bằng chậm của nhà đầu tư được ngân hàng tài trợ vốn đánh giá là khôn ngoan và sáng tạo.

Hai khu tái định cư thuộc hai tiểu dự án thành phần GPMB trên địa bàn tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (CTĐC) làm chủ đầu tư đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Chiến Thắng bấm nút khởi công.

img
Lễ khởi công xây dựng khu tái định cư

Cách làm khu tái định cư đi trước một bước, để ngăn ngừa nạn GPMB chậm của nhà đầu tư được ngân hàng tài trợ vốn đánh giá là khôn ngoan và sáng tạo. Mặt khác đây cũng là dự án được Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đánh giá cao khi nhà đầu tư đã tự tiếp cận được với ngân hàng nước ngoài để tìm nguồn tài trợ vốn với hình thức tín dụng xuất khẩu có lãi xuất thấp. Đây được xem như một dự án điển hình hưởng ứng chủ trương xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông của Chính phủ khi các nguồn vốn khác đang dần hạn hẹp và bị thắt chặt

Sáng tạo và khôn ngoan

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc bộ phận dịch vụ tài chính doanh nghiệp của Ngân hàng Crédit Agricole (CA), ngân hàng tài trợ vốn cho dự án cho biết: Việc nhà đầu tư triển khai trước các khu tái định cư được ngân hàng đánh giá cao bởi trong việc xây dựng các công trình ở Việt Nam việc GPMB rất khó khăn và thường gây chậm trễ cho tiến độ thực hiện dự án. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của nhiều dự án, làm tăng tổng mức đầu tư dự án một cách đáng tiếc.

Cách đi trước một bước là sáng tạo và khôn ngoan để đảm bảo tiến độ dự án, phòng ngừa chi phí tăng. Ngoài ra khi các tổ chức tái bảo hiểm tín dụng xuất khẩu của CA thẩm định dự án họ thường xem xét kỹ các nhà đầu tư giải quyết thế nào về vấn đề an sinh xã hội.

Nên việc nhà đầu tư lo trước khu tái định cư cho những người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án là cần thiết để dự án vượt qua được con mắt khắt khe của các nhà thẩm định bảo hiểm tín dụng. Điều này cực kỳ quan trọng vì nó sẽ quyết định ngân hàng có tài trợ vốn cho dự án hay không.

CTĐC đã dám bỏ tiền ra thực hiện dự án tái định cư khi mớí được tạm giao mốc giới lại chính là điểm mạnh khiến CA đánh giá cao về năng lực của nhà đầu tư. Chỉ có rất tự tin vào tính khả thi của dự án thì nhà đầu tư mới dám bỏ tiền túi ra để thực hiện dự án. Ngay cả Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cũng rất ủng hộ dự án tái định cư được triển khai trước.

Tiểu dự án khu tái định cư HĐBĐC đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép triển khai trước để phục vụ công tác đền bù GPMB cho dự án HĐBĐC theo đề nghị của UBND hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Hai tỉnh đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị “do công tác GPMB và tái định cư rất lớn nên sẽ tạm giao mốc giới các khu chức năng … đồng thời đề nghị Bộ GTVT cho phép khởi công khu tái định cư trong tháng 10-2010” và được chấp thuận.

Điển hình xã hội hoá đầu tư hạ tầng

 

img
Những khúc cua thế này sẽ không còn đáng sợ khi hầm đường bộ Đèo Cả được xây dựng

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, dự án hầm đường bộ Đèo Cả là một công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nằm trên Quốc lộ 1A, nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Đèo Cả có tới 116 đường cong, độ dốc dọc lớn, phổ biến từ 8-10%, đặc biệt có hai đoạn cua tay áo tại Km 1358+900 và Km 1359+400 hết sức nguy hiểm. Song đây là tuyến đường huyết mạch trên QL 1A nên các xe bắt buộc phải vượt qua đoạn đường này như một “cửa ải” hiểm nguy.

Lưu lượng xe lại lớn vì là đường độc đạo nên không khó hiểu tại sao ở đây luôn xảy ra TNGT chết người. Đèo Cả trong tiềm thức của các tài xế thật sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Đồng thời dự án Hầm đường bộ Đèo Cả là một trong những dự án rất quan trọng nằm trong chiến lược phát triển hệ thống đường bộ Việt Nam tới năm 2020.

Dự án có ý nghĩa chiến lược cho mục tiêu phát triển lâu dài kết, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền Trung mà đặc biệt là kết nối hai khu kinh tế trọng điểm là khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa. Từ năm 2001 Bộ GTVT đã xây dựng dự án mời gọi đầu tư nhưng chưa tìm được nguồn vốn. Nay CTĐC là một nhóm nhà đầu tư tư nhân đã tự tiếp cận ngân hàng và tìm được nguồn tài trợ ưu đãi để thực hiện dự án theo hình thức BOT và BT là một tín hiệu tốt. Bộ GTVT sẽ tạo mọi điều kiện nhanh nhất để dự án sớm được triển khai.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc CTĐC cũng cho biết : Sau hai năm theo đuổi chuẩn bị dự án cũng ngân hàng, vượt biết bao cuộc kiểm tra ngặt nghèo, ngày 22-6-2010 trong chuyến thăm Pháp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân , cùng với sự chứng kiến của Thứ trưởng Phụ trách giao thông của Pháp, CA và ngân hàng Societe General đã ký ghi nhớ tài trợ 500 triệu USD dưới hình thức tín dụng xuất khẩu cho dự án do CTĐC làm chủ đầu tư, đồng thời các tổ chức tín dụng xuất khẩu của các nước cũng sẽ đứng ra bảo hiểm tín dụng cho dự án.

Đây là nguồn vốn tín dụng xuất khẩu có lãi xuất thấp ( thường chỉ vào khoảng ½ lãi xuất các khoản vay thương mại) được vay trong vòng 13-15 năm, có 3-5 năm ân hạn chưa phải trả gốc.

Cty CP Đèo cả gồm các nhà đầu tư: CTCTy xây dựng Hà Nội góp 55%, Cty TNHH Tập đoàn đầu tư Hải Thạch 30%, Cty TNHH Tập đoàn Mai Linh khu vực miền Trung và Tây Nguyên 10%, CtyTNHH Á Châu 5%.

Theo thiết kế Hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ được xây dựng chui dưới Đèo Cả (từ Km 1353+500 đến Km 1373+500) đoạn Tuy Hoà - Nha Trang thuộc địa phận tỉnh Phú Yên (phía bắc) và tỉnh Khánh Hoà (phía nam). Bề rộng mặt đường và cầu khoảng 22m (gồm 4 làn xe); Bề rộng hầm (gồm 2 hầm cách nhau 30m) mỗi hầm rộng 11,5m gồm: 2 làn xe 9,5m, 1 làn người đi bộ 1m, cùng lề an toàn và lề kiểm tra 2x0,5m.

Đây là công trình giao thông được xếp vào loại đường bộ cấp I, nhóm A. Dự kiến, tổng vốn đầu tư ban đầu vào khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ Đèo Cả cho phép các xe lưu hành với vận tốc 80km/h và có thể chịu được động đất cấp 7. Đồng bộ với công trình chính là các khu điều hành, chuyên gia, dân cư và nhiều công trình dân sinh khác.

Thời gian dự kiến hoàn thành dự án đến năm 2014.