Dân Việt

Làm “sống lại” các hợp tác xã bán lẻ

22/10/2010 14:42 GMT+7
(Dân Việt) - Liên minh HTX VN vừa có đề xuất phục hồi các HTX bán lẻ nhằm thực hiện tốt chương trình “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hiên - Phó Chủ tịch Liên minh HTX VN về đề xuất này.

Ông Hiên cho biết: Vướng mắc lớn nhất hiện nay khi thực hiện cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" nằm ở hệ thống phân phối, việc quảng bá hàng VN ở nông thôn. Hàng Việt muốn bán được ở nông thôn phải thiết lập được hệ thống phân phối cho tốt, trong đó các HTX bán lẻ được xem là một kênh phân phối hữu hiệu nhất. 

img
Hàng Việt đang có cơ hội lớn để chinh phục thị trường nông thôn trong nước

Thưa ông, tại sao lại là các HTX bán lẻ chứ không phải là một hình thức khác?

- Thời bao cấp, hệ thống phân phối ở nông thôn qua 4 cấp: xã, huyện, tỉnh, T.Ư. Mỗi xã có một HTX bán lẻ, mỗi HTX lại có mấy điểm bán lẻ; các thôn, thị trấn, thị tứ, chợ đều có điểm bán lẻ của các HTX. Hệ thống HTX bán lẻ này bán từ cái kim, sợi chỉ và tất cả những gì nhu cầu đời sống nông thôn cần. Lên đến huyện có các Liên hiệp HTX mua bán - là một tổ hợp của tất cả các HTX bán lẻ.

Thời bao cấp, hàng hóa nào khó thì sẽ được phân phối qua hệ thống này, hàng thông thường thì liên hiệp tập hợp nhu cầu của xã, huyện để đưa hàng về bán cho các HTX, các HTX bán cho người dân. Liên hiệp HTX tỉnh cũng có vai trò tương tự như Liên hiệp HTX huyện. Ở Liên hiệp T.Ư có một số tổng công ty để chịu trách nhiệm phân phối hàng hóa theo nhu cầu của người dân...

Các HTX bán lẻ sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đưa hàng Việt về nông thôn, thưa ông?

- Mạng lưới HTX bán lẻ có 2 ưu điểm lớn. Đó là các HTX này sát với địa bàn dân cư, hiểu được nhu cầu của người dân và có địa điểm kinh doanh tiện lợi cho người dân. Hàng hóa thông qua đây sẽ được phân phối phù hợp với nhu cầu của dân và của các vùng với nhau, đồng thời chủ động được nguồn hàng hóa. Đây là điều mà các doanh nghiệp hiện nay chưa làm được khi đưa hàng hóa về nông thôn.

Vậy cần tổ chức lại hệ thống phân phối HTX này như thế nào để phát huy được những ưu điểm như ông nói và phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay?

- Chúng ta phải đổi mới hệ thống HTX bán lẻ phù hợp với tình hình hiện nay. Hiện xã nào cũng có HTX nông nghiệp. Chúng tôi đang hướng các HTX nông nghiệp hiện nay sang mô hình HTX đa chức năng: Làm cả dịch vụ đời sống, môi trường, thương mại. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng các HTX này làm kênh phân phối. Các địa phương cần tạo thuận lợi để các HTX nông nghiệp đầu tư các cửa hàng thương mại.

Các HTX nông nghiệp hiện yếu cả về vốn, trình độ, cơ sở vật chất thì làm sao thực hiện được mô hình phân phối này?

- Chính vì thế chúng tôi đang phát triển mô hình Liên hiệp HTX nông nghiệp từng tỉnh một (hiện nay đã có nhưng chưa đạt mỗi tỉnh 1 liên hiệp). Các HTX nông nghiệp trên địa bàn sẽ là thành viên của liên hiệp này. Chính các liên hiệp sẽ liên hệ với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh doanh và hỗ trợ các HTX bán lẻ trong hoạt động phân phối, trao đổi, mua bán hàng hóa.

Liên hiệp sẽ là cầu nối giữa HTX bán lẻ và doanh nghiệp. Liên hiệp HTX sẽ liên hệ với tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu đưa hàng về nông thôn. Họ nghiên cứu thị trường nông thôn để đặt hàng doanh nghiệp cung ứng lượng hàng bao nhiêu và đưa về các xã thông qua các HTX bán lẻ.

Điểm mạnh là bản thân các liên hiệp này có thể thành lập công ty, cửa hàng, các trạm trung chuyển hàng hóa nên có thể các công ty trực thuộc liên hiệp này sẽ liên hệ trực tiếp với các HTX bán lẻ. Liên hiệp có thể đầu tư cả các trung tâm phân phối trực thuộc đưa hàng về bán buôn, các HTX đến mua và bán lại cho người dân. Mô hình phân phối doanh nghiệp - Liên hiệp HTX-HTX này đều đã rất thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay.

Vậy trước mắt cần định hướng cho các HTX ở Việt Nam như thế nào?

- Hiện nay, cả nước có khá nhiều HTX dịch vụ - thương mại, kinh doanh các sản phẩm "đầu vào" như phân bón, thuốc trừ sâu, hàng tiêu dùng nhưng chưa nhiều. Chúng ta cũng từng có các HTX thương mại tổng hợp nhưng vẫn chỉ hoạt động độc lập, đơn phương nhưng chưa phát huy hết vai trò của nó. Do vậy, giờ nếu hướng các hệ thống HTX này vào chuỗi phân phối như trên chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả.

Lâm Đồng: Nhiều hợp tác xã hoạt động không hiệu quả
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị cơ quan chức năng giải thể 10 hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh vì lý do hoạt động kém hiệu quả, trong đó có một số chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Trong các hợp tác xã bị đề nghị giải thể này, TP.Đà Lạt có 3 (Dâu Rừng, Lạc Thành, Tấn Phát), huyện Đạ Huoai có 2 (Toàn Thắng, Thắng Lợi)… Với 4 hợp tác xã nông nghiệp còn lại, đoàn kiểm tra kiến nghị cần được củng cố về mặt tổ chức cũng như hoạt động. V.K.D