Lớp học thêu tranh tay cho xã NTM Hải Đường. |
Những ngày này, xã Hải Đường lúc nào cũng nhộn nhịp không khí học tập bởi lần đầu tiên, một đợt dạy nghề quy mô lớn được mở tại xã với tổng số 10 lớp dạy nghề. Các lớp học này do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) kết hợp với Sở LĐ-TB&XH Nam Định, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu tổ chức.
Tạo sự gắn kết "ba nhà"
Điểm đặc biệt của lớp học này là trước khi khai giảng, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã tư vấn trực tiếp cho bà con chọn nghề và tổ chức ký hợp đồng với học viên là bà con nông dân. Trên cơ sở đó, trung tâm phân loại nhu cầu học và tổ chức các lớp dạy nghề tranh thêu, hàng cói, may công nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Phòng đào tạo, Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) nhận định: So với hoạt động tuyển sinh trước, lần này quá trình tuyển sinh, đào tạo được thực hiện chặt chẽ, nhanh gọn hơn, có sự gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nông-nhà trường-nhà doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH)
"Thực tế triển khai hai mô hình dạy nghề làm đồ hộp từ cói và tranh thêu tay ở xã Hải Đường cho thấy, muốn dạy nghề hiệu quả cần chú trọng từ khâu tư vấn tuyển sinh, đặc biệt là phải tạo được đầu ra cho học viên sau học nghề" - bà Hương cho biết.
Doanh nghiệp tham gia phối hợp dạy nghề cho bà con nông dân xã NTM Hải Đường lần này là Công ty XNK Minh Phú (Hưng Yên) - một đơn vị có truyền thống về đào tạo nghề. Do quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, nhu cầu về lao động cao nên công ty cam kết tạo việc làm cho học viên sau học. Điều này đã tạo tâm lý phấn khởi cho người học.
Tránh dạy giả, học giả
Một trong những thành quả lớn nhất mà mô hình điểm dạy nghề ở xã NTM Hải Đường chính là sự gắn kết giữa "ba nhà" góp phần tránh việc đào tạo giả, học giả, dạy giả, chạy theo chỉ tiêu mà không thực chất.
Ông Kiêm Vọng Danh - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Nam Định cho biết, 100% nông dân ở xã Hải Đường được tư vấn về học nghề thông qua các tổ hội và đài phát thanh xã. Do xã đang thực hiện mô hình điểm xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi từ thuần nông sang làm thêm các nghề tiểu thủ công nghiệp. Việc dạy nghề thủ công mỹ nghệ bước đầu tạo kỹ năng cơ bản cho bà con. Sau đó, bà con sẽ tiếp tục được bồi dưỡng để thực hiện các mẫu mã mặt hàng mới theo yêu cầu.
Bà Đỗ Thị Chiên - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu cho biết: "Muốn kéo nông dân đi học, không chỉ tuyên truyền kêu gọi mà điều quan trọng là phải có mô hình điểm hiệu quả cho người dân nhìn, có thế họ mới hăng hái tham gia học nghề. Nếu dạy nghề mà không tạo thu nhập cho nông dân thì không đầy 1 tuần bà con sẽ nghỉ hết".
Chị Phan Thị Thuý - nông dân tham gia học nghề thêu tranh tay (xóm 9, xã Hải Đường) cho biết: "So với nghề thêu trơn, và thêu đính cườm trước đây thì làm tranh thêu cho thu nhập cao hơn. Tuy nghề có khó hơn nhưng sau học được giải quyết việc làm tại trung tâm nên chị em tôi tin tưởng học để làm nghề".
Minh Nguyệt