Thỏa thuận này gồm 35 tỷ Euro tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và 50 tỷ dành cho kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách Ireland.
Bản thân Ireland cũng phải đóng góp 17,5 tỷ euro từ nguồn vốn của các ngân hàng và Quỹ dự trữ lương hưu của Ireland. Phần còn lại được chia đều cho Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSM), Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Anh và một số nước khác nằm ngoài khu vực như Thụy Điển và Đan Mạch cũng cung cấp viện trợ song phương cho Ireland nhằm hỗ trợ nước láng giềng Ireland đối phó với khủng hoảng.
Với gói cứu trợ này, EU hi vọng sẽ giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng nợ của khu vực Euro và ngăn chặn sự lây lan sang Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trước lo ngại họ sẽ phải tìm kiếm sự trợ giúp khẩn cấp tương tự.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn cho biết, lãi suất cho vay dành cho Ireland sẽ được công bố vào tuần này.
Phía Chính phủ Ireland nói rằng, lãi suất bình quân đối với gói giải cứu sẽ vào khoảng 5,8%, nếu các quỹ rút hầu bao ngay trong hôm nay. Mức lãi suất này vẫn cao hơn mức mà Hy Lạp phải chi trả khi tiếp nhận gói giải cứu 110 tỷ Euro từ EU và IMF vào tháng 5 vừa qua.
Ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, cho biết: “Các bộ trưởng đã nhất trí với Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu cấp khoản vay để Ireland được bảo đảm sự ổn định về tài chính trong khu vực đồng Euro và trong toàn EU”.
Thông qua gói tiền này, Ireland sẽ tiến hành quốc hữu hóa các ngân hàng liên kết với Ireland và ngân hàng Bank of Ireland, đơn vị được Bộ trưởng Tài chính Brian Lenihan mô tả là ngân hàng Ireland đầu tiên nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính hồi tháng 4.
Tân Hoa