Dân Việt

Bước đầu chập chững

27/10/2010 02:54 GMT+7
(Dân Việt) - Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước đã khai giảng các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956. Dù cách làm mới, nhưng những lớp dạy nghề này còn tồn tại nhiều vấn đề “cũ” cần giải quyết.
img
Sau khi học, bà con thực hành ngay trên đồng ruộng.

 Tại hội trường thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng đang diễn ra lớp học nghe rất lạ tai: Học trồng lúa. Thực tế dạy và học cho thấy, nhiều nông dân chưa biết trồng trọt đúng cách.

Dạy từ hội trường ra đồng ruộng

Ông Tống Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề huyện An Dương cho biết: Đây là lớp dạy nghề cho nông dân đích thực và đầu tiên do trường trực tiếp giảng dạy. Bà con học chủ yếu hai nghề trồng cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi, gồm: Kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng rau sạch, kỹ thuật nuôi gà sạch và kỹ thuật nuôi lợn. “Trước mắt, 4 lớp học lý thuyết được tổ chức tại nhà văn hóa xã Hồng Phong và nhà văn hóa thôn Hoàng Lâu vào thứ 4 và thứ 7”. Chương trình có 360 tiết học thì chỉ tập trung 60 tiết lý thuyết, còn lại dành cho thực hành.

Vào thăm lớp trồng trọt của bà con trong nhà văn hóa xã Hồng Phong, các lão nông nơi đây đang sôi nổi bàn luận về các giống lúa lai. Nhiều người được dịp thể hiện kinh nghiệm dạn dày của mình nhưng phần lớn vẫn tần ngần gật gù: Hóa ra cái này phải làm như thế này mới đúng kỹ thuật. Ông Phó thôn Đoan Ngọ Nguyễn Văn Đốc đã 50 tuổi thật lòng: “Đúng là cả đời làm ruộng nhưng khi được học bài về cây lúa này, tôi mới hiểu sâu, hiểu kỹ hơn về nó”.

Cũng ngỡ ngàng, cũng hào hứng chẳng kém lớp trồng trọt, các lão nông bên lớp chăn nuôi ở nhà văn hóa thôn Hoàng Lâu thi thoảng lại ồ lên khi nghe thầy giảng về kỹ thuật phối giống lợn…

Thầy giáo “3 cùng” với học viên

Ông Tống Văn Tuấn cho biết, phần lớn thời gian 300 tiết thực hành theo kiểu chia nhóm. 4 lớp chia làm nhiều nhóm thực hành trực tiếp trên từng mảnh ruộng, khu chuồng thí điểm của bà con. Những điểm thực hành này sẽ được đầu tư vốn, con giống và hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, phân bón để nông dân thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc. Thầy giáo cùng ăn ở, cùng sản xuất với bà con. Ông Nguyễn Văn Khải (lớp chăn nuôi) cho biết: “Tôi thích thực hành, vì 50 tuổi rồi cầm bút ghi khó vào lắm, chỉ có làm thực mới tiếp thu được”.

Đang chuẩn bị làm đất vụ đông, lớp trồng trọt kịp thời được thực hành kỹ thuật trồng đỗ cove, dưa chuột, cải bắp, súp lơ mà bà con yêu cầu. Còn thực hành về cây lúa, phải đến gần kết thúc lớp học, lúc đó mới vào vụ gieo mạ cấy lúa. Bà Thanh, thôn Đình Ngọ nói: “Năm ngoái, do không nắm được kỹ thuật làm mạ nên cả ruộng mạ chết rét, nhà tôi phải đôn đáo khắp nơi để mua mạ về cấy cho kín ruộng. Còn một sào ruộng vụ đông, mọi năm chưa biết chuyên canh cây gì nên tôi trồng mỗi thứ một ít. Giờ được học kỹ thuật rồi, tôi phải chuyên canh lớn mới được. Không làm cò con nữa”.

 Các lớp học nghề tại xã Hồng Phong thu hút nhiều nông dân trung tuổi. Bà Vũ Thị Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Hồng Phong có nhiều hộ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phát triển khu công nghiệp. Bà con mất đất nhiều nên việc đào tạo những nông dân trung tuổi để tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là rất cần thiết.

(Còn nữa)