Dân Việt

A Mét và nỗi kinh hoàng của quân cướp nước

27/10/2010 17:31 GMT+7
(Dân Việt) - Biết Đinh Môn dụng tài cải trang rồi dụ chúng để phục kích, quân Pháp luôn đề phòng. Nhưng dù có cảnh giác đến đâu, chúng vẫn mắc mưu hết chuyện này đến chuyện khác…
img
Cụ A Mét

“Ma rừng”

Một lần bọn lính ở đồn Đăk Choong thấy “một tên mọi” nài nỉ xin gặp chỉ huy. Giọng hắn vừa ngọng vừa lắp. Cố gắng lắm mới hiểu được hắn nói rằng ở làng đói quá nên muốn xin vào lính để có cái ăn…

Đã vậy mặt hắn một bên sưng vù, mắt thì tít lại, ghèn nhử nhầy nhụa, tên đồn trưởng tức mình đá phốc một cú vào đít: “Mẹ mày, mắt mũi như thế kia mà dám đòi đi lính. Mày thử nhìn mấy khẩu súng kia xem có thấy không đã!”.

Hắn chỉ tay vào mấy khẩu súng lớn để ở góc đồn. “Tên mọi” sợ sệt lò dò bước tới rờ rẫm xuýt xoa. “Cũng nên mượn mồm thằng mọi này tuyên truyền cho bọn Việt Minh khiếp sợ”, nghĩ vậy tên đồn trưởng luôn mồm ba hoa nào đồn hắn có bao nhiêu súng, lính bố phòng ra sao… Đinh Môn nhờ vậy nắm hết lực lượng địch, không cần khảo mà có kẻ xưng…

Lại có lần Đinh Môn hoá trang xin làm… cu ly cho Pháp. Bắt cu ly đang khó mà có kẻ xin, hơn thế lại xin vào chỗ nguy hiểm đánh mìn phá đá, bọn cai chẳng nghi ngờ gì. Thế là vô tình chúng đã cấp không thuốc nổ cho ông làm mìn diệt xe của chúng…

“Thằng Đinh Môn như con ma, biết hắn đó mà không sao bắt được”. Cứ mỗi lần bị nếm đòn của Đinh Môn, bọn lính Pháp lại căm tức nói với nhau như vậy. Có kẻ còn thêu dệt là Đinh Môn có “bùa” nên đạn bắn không trúng; giáp mặt thì khiến mắt chúng thành ảo giác… Thực ra thì Đinh Môn là con của núi rừng, thêm tài cải trang, ông đã lẫn vào đồng bào mình, lẫn vào cỏ cây khiến con mắt của địch không thể nhận ra... Tài cải trang của Đinh Môn có lẽ là có một không hai.

Vai Đinh Môn đóng không bao giờ trùng lặp, luôn xuất hiện trong những tình huống bất ngờ nên giặc không thể nào ngờ tới. Suốt cả một vùng rừng núi Bắc Tây Nguyên, Đinh Môn thoắt ẩn thoắt hiện. Một thời gian Đinh Môn còn “quậy” Pháp tận Trà My, Sa Huỳnh… Dụ hàng không được, lùng bắt không xong; đánh đằng này Đinh Môn nổi trận đằng khác, Pháp cứ như gã khổng lồ vung búa tạ đập ong…

Tính ra 9 năm chống Pháp, Đinh Môn đã chỉ huy đánh địch 11 trận, thu 150 súng, vận động hơn 70 ngụy binh bỏ ngũ về làng…

Nguyện làm “thanh củi khô”

Năm 1954 Đinh Môn cùng vợ và con trai – Đinh Rươl, bấy giờ mới 3 tuổi tập kết ra Bắc. Được giao làm Hội trưởng Hội đồng dân tộc Xê Đăng, Jẻ - Triêng nhưng chỉ đến tháng 4 - 1959 ông đã nằng nặc xin về quê chiến đấu. Cuộc sống phố phường không hợp và cái chết của người vợ khiến ông cảm thấy cô đơn. Tổ chức không đồng ý, ông lên gặp Bác để xin.

Hôm đó ông được Bác Hồ mời cơm, cùng dự có Anh hùng Núp. Mở đầu câu chuyện, Bác hỏi: “Chú nhớ miền Nam lắm phải không?”. Ông “dạ”. Im lặng một lúc lâu, Bác nói: “Bác cũng rất nhớ miền Nam”.

Rồi Người tiếp tục hỏi: “Chú xin về quê đánh Mỹ, gian khổ, ác liệt gấp nhiều lần đánh Pháp, chú nghĩ sao?”. Ông thưa: “Gian khổ, hy sinh mấy cũng không sợ; chỉ e Mỹ mạnh, vũ khí tối tân quá, không biết có đánh được nó như Pháp không?”.

Bác cười. Người lấy chiếc bát ăn cơm trên bàn đậy chiếc đĩa lên, chụm mấy chiếc đũa xung quanh, rồi nói: “Miền Nam ta, đồng bào ta ví như chiếc bát đựng nước này. Đế quốc Mỹ hiện giờ như chiếc đĩa. Các chú là cán bộ giữ vai trò như thanh củi. Củi cháy thì nước sôi, tất sẽ lật nhào chiếc đĩa”…

… Đi bộ ròng rã 3 tháng dọc Trường Sơn, Đinh Môn mới tới được Đăk Glei. Cơ sở cách mạng bị địch phá vỡ hết, ông phải gây dựng lại từ đầu. Để giữ bí mật, Đinh Môn đổi tên là A Mét. Làm Bí thư xã Xốp gây dựng lại phong trào, 1 năm sau A mét được rút lên làm Huyện đội trưởng H.30. Mở đầu chiến công chống Mỹ của ông là chỉ huy trận đánh đồn Đăk Pét thắng lớn, bắt sống 50 ngụy binh, thu hơn 50 súng.

Án ngữ con đường 14B thông sang Quảng Nam, mất Đăk Pét cũng có nghĩa là mất sự kiểm soát vùng núi chiến lược Bắc Kon Tum, địch cố sống cố chết giữ cho bằng được. Từ trận mở đầu này cho đến năm 1972, để nhổ được “cái gai” Đăk Pét, A Mét đã chỉ huy đánh cả thảy 7 lần. Nếu kể thêm thời kháng Pháp, A Mét đã nhập trận không dưới 10 lần. Sau này A Mét nói rằng Đăk Pét là một món nợ lớn nhất nhưng cũng “thú vị” nhất đời ông!

Năm 1968 A Mét được giao làm Chủ tịch huyện 30. Ông khuất dần vào phong trào quần chúng. Hình ảnh A Mét được lưu giữ trong thời kỳ này là một ông Chủ tịch huyện cũng tham gia làm rẫy ban đêm, cũng ăn bắp, củ mì để dành gạo nuôi bộ đội như dân thường; và đặc biệt là cũng… không biết chữ như bao người dân thời ấy (sau này trong lý lịch ghi là trình độ văn hoá lớp 1 nhưng thực ra ông chỉ biết viết mỗi chữ “A Mét”).

-----------------

Kỳ cuối: Đứa con của núi rừng

Vận động dân chẳng lý luận to tát cao siêu gì, vậy mà mỗi lời A Mét là mỗi mệnh lệnh vô điều kiện trong lòng họ. Không chỉ trong chiến tranh, cái “uy” ấy của ông gần như vẫn trọn vẹn cho đến khi ra làm Chủ tịch Mặt trận huyện, thậm chí cả khi đã nghỉ hưu…