Dân Việt

Khó lý giải những "yêu thuật" khủng khiếp trên đỉnh Trường Sơn

ANTĐ 07/01/2014 19:00 GMT+7
Người Ma Coong nổi tiếng trên đại ngàn Trường Sơn về sở hữu những ma thuật khủng khiếp. Đó là ma thuật cắn lửa, ma thuật điều khiển ma, ma thuật hỏi ý người chết.
Bản Cà Roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), mảnh đất linh thiêng của người Ma Coong - một tộc người thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều.

Người Ma Coong hiện có 287 hộ, 1.552 khẩu, cư trú thành từng bản làng nhỏ, rải rác từ biên giới Việt - Lào đến giáp xã Tân Trạch. Người Ma Coong lưu giữ nhiều phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa tộc người như lễ hội đâm trâu, lễ hội đập trống (đánh trống)... Ngoài các lễ hội, người Ma Coong còn nổi tiếng trên đại ngàn Trường Sơn về sở hữu những ma thuật khủng khiếp. Đó là ma thuật cắn lửa, ma thuật điều khiển ma, ma thuật hỏi ý người chết.

Đập trống cầu may và ước vọng tình dục

Lớn nhất trong các lễ hội của người Ma Coong là lễ hội đập trống được tổ chức hàng năm vào đầu mùa xuân. Công việc mất nhiều thời gian nhất, đó là chuẩn bị chiếc trống lễ hội. Mỗi năm da bịt mặt trống được thay một lần. Người ta chọn những tấm da trâu đẹp, phơi khô rồi đem cất ở gác bếp, ngày tổ chức lễ hội mới đem ra bịt. Tang trống được làm bằng một khúc cây “Chi cúp” lớn, ruột rỗng và to bằng một cái chum đựng nước. Tang trống được lưu giữ nhiều năm, trường hợp hư hỏng mới thay thế cái khác. Để bịt được mặt trống căng, đánh to và vang xa đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh nghiệm.

Lễ đập trống của người Ma Coong
Lễ đập trống của người Ma Coong

Khi công việc chuẩn bị hoàn tất thì trời cũng đã nhá nhem tối, mọi người già trẻ, gái trai tụ hội đông đủ, chật cả khoảng sân rộng của bản Cà Roòng. Họ bày trên một sạp tre 3 mâm cỗ nhỏ. Mỗi mâm cỗ có thịt gà nấu với chồi mây non, một típ xôi, một hũ rượu hiêng và ít lúa gạo. Rượu hiêng của người Ma Coong là thứ không thể thiếu trong các dịp cúng tế. Thứ rượu này được làm từ nếp nương, men lá, thơm nức, trắng và sánh như sữa. Rượu hiêng dùng cúng các vị thần hoặc tiếp khách quý. Có lẽ thứ rượu này có trước khi rượu cần xuất hiện nên đã trở thành một tục lệ không thể thay thế. Cách đó không xa các chum, ché rượu cần do người trong bản mang đến bày thành từng hàng dài, mọi người có mặt đông đủ, háo hức chờ đợi giờ khai lễ.

Ba thành viên của ban chủ lễ trong bộ lễ phục truyền thống gồm: Áo màu đen cài khuy bạc, váy màu đen gấu viền đỏ, vòng bạc... Bộ lễ phục này chỉ được mặc trong dịp lễ hội đập trống và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Dưới ánh trăng rằm của đêm đầu năm, trong sự thiêng liêng và sâu thẳm của núi rừng, năm thành viên ban chủ lễ với tâm niệm thành kính, khẩn cầu thần linh phù hộ, che chở cho con cháu của tộc người Ma Coong. Mở đầu buổi lễ, già làng Đinh Keo thắp sáng những cây nêu làm bằng sáp ong và lầm rầm khấn mời “Giàng và con ma mót” về ăn xôi, uống rượu hiêng, chứng kiến lễ hội, phù hộ cho người Ma Coong có cuộc sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu. Các thành viên khác của ban chủ lễ lần lượt thay nhau vào cầu khấn. Lễ cúng kết thúc khi chủ lễ bốc từng nắm lúa gạo ném ra nhiều phía.

Lễ cúng kết thúc cũng là lúc tiếng trống vang lên, từng nhịp trống dồn dập vang xa, vọng vào vách núi, phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng. Dưới ánh trăng, từng tốp người cầm tay nhau nhảy múa, thay nhau trổ tài đánh trống. Dùi trống được làm từ những đoạn mây rừng dài chừng 50-60cm, vừa đánh họ vừa hô to “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá trời ơi!), mà phải đánh làm sao cho mặt trống nứt vỡ trước khi trời sáng. Người Ma Coong tin rằng, năm nào trống đánh kêu to và vang xa, mặt trống nào đánh đến sáng mà chưa nứt, vỡ thì năm đó dân bản sẽ gặp điềm gở, mùa màng thất bát. Có một năm xa lắm rồi, Giàng không thương người Ma Coong nên trai làng đánh trống cả đêm mà trống không vỡ. Năm ấy hạn nặng, cả năm trời không mưa, cây rừng khô, cháy rừng rực, nương rẫy không thu được cái ăn, làng đói chết mấy chục người.

Ai cũng được tham gia đánh trống, nhưng hăng nhất là lớp thanh niên, họ muốn mặt trống sớm nứt vỡ, để dẫn bạn tình vào rừng tình tự. Tình dục với người Ma Coong khá tự do, nhưng nếu có con mà không nhận, không làm lễ cưới, thì phải phạt vạ lớn. Lễ hội đập trống của người Ma Coong mang đậm bản sắc văn hoá tộc người dân tộc này. Nó trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn, giúp cộng đồng người Ma Coong đoàn kết, vượt mọi khó khăn thử thách.

Bùa phép làm ma không tin… không được

Ngoài lễ đập trống, làm ma, chôn cất người chết là một nghi lễ quan trọng của người Ma Coong. Sau đủ các nghi thức cúng ma, cúng Giàng thì nhiêu khê nhất vẫn là việc tìm chỗ để người chết nghìn năm yên nghỉ. Việc này, theo quan niệm của đồng bào dân tộc nơi đây thì phải dựa hoàn toàn vào ý nguyện của… người chết.

Theo đó, sau ba ngày làm ma, người chết được đưa đi chôn. Người Arem, Ma Coong không khâm niệm người chết bằng quan tài như người Kinh mà chỉ bó thi thể bằng chăn, chiếu và một tấm phiên nứa dày phía ngoài. Khi đưa người chết tới bìa rừng, thầy mo sẽ làm việc quan trọng mà mình được giao phó.

Miệng đọc thần chú, mắt lim dim, thầy ném quả trứng sống (quả trứng vẫn dùng để cúng người chết trong suốt mấy ngày làm ma) về phía trước. Quả trứng rơi vỡ ở chỗ nào nghĩa là “ma” đã đồng ý chôn ở chỗ đó. Khi đã có được sự ưng thuận đó thì chỗ quả trứng vỡ dù có là gốc cây hay tảng đá thì đám đào huyệt vẫn phải đào cho kỳ được.

Tuy nhiên, có điều mà nhiều người ở nơi khác tới thung lũng này vẫn không thể tin vào mắt mình, ấy là nhiều khi quả trứng bị ném đến cả mấy chục lần vẫn không chịu… vỡ, kể cả ném vào cây vào đá. Sự kỳ lạ này được tất cả cán bộ xã công nhân là có thật. Họ đã chứng kiến nhiều lần sự việc này khi giúp gia chủ làm ma.

Thiếu tá Hoàng Văn Đức - cán bộ biên phòng tăng cường cho UBND xã Thượng Trạch cho biết ở thung lũng này, có nhiều chuyện mà đến giờ anh vẫn không dám tin đó là sự thật. Ném trứng cũng là một trong số những việc khó tin ấy. Hồi mới băng rừng về đây công tác, hễ trong xã có đám tang là anh và nhiều đồng chí nữa kéo nhau đi xem. Hồi hộp và ly kỳ nhất vẫn là nghi thức ném trứng. Thiếu tá Đức kể, có lần, anh đã theo một đám đi ném trứng… mỏi đến rã rời. Hôm ấy, chẳng hiểu vì lý do gì quả trứng đã ném khắp mọi chỗ quanh bãi tha ma mà chẳng chịu vỡ. Thậm chí, tận mắt Thiếu tá Đức thấy quả trứng chọi vào gốc cây, gốc cây bật vỏ mà trứng thì vẫn trơ trơ. Lạ kỳ thay, khi ra một chỗ thoáng đãng, quả trứng lại vỡ đánh ộp dù bị tung vào đám đất bùng nhùng.

Theo ông Đinh Hợp - Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch thì hiện tượng đó đến giờ vẫn chưa thể lý giải. Cũng như ông Hợp, nhiều cán bộ xã người miền xuôi đang công tác ở đây không tin vào những chuyện hoang đường, thế nhưng chuyện về bùa phép ở đây vẫn cứ diễn ra theo tục lệ.

Màn ngậm dao nung than hồng rợn tóc gáy


Ở đất này, theo Chủ tịch xã Đinh Hợp, có rất nhiều người giỏi pháp thuật. Tuy chỉ là người “học mót” nhưng ông Hợp bảo, ông cũng có thể biểu diễn vài màn khiến người ngoài rợn tóc gáy. Ông Hợp có thể ngậm con dao được nung đỏ trong miệng như ngậm một nhánh củi khô. Với khả năng kì diệu của mình, ông Hợp từng khiến nhiều cán bộ tâm phục khẩu phục trong một cuộc cá cược có một không hai.

img

Vị cán bộ biên phòng ấy tên Sơn, hiện đang công tác tại đồn biên phòng Cảng Gianh. Chừng 5 năm trước, cán bộ này được tăng cường lên Thượng Trạch. Khi lên đây, cán bộ Sơn không tin là người dân ở thung lũng này biết làm pháp thuật, có thể “trình diễn” các tiết mục kinh dị, nằm ngoài trí tưởng tượng của con người. Thế nhưng, trong một cuộc rượu, Chủ tịch xã Đinh Hợp đã thách cược là ông có thể ngậm một con dao phát nương được nung hồng rực trong bếp và đi vài vòng quanh nhà.

Cuộc thách đố rợn tóc gáy ấy diễn ra ở nhà một cán bộ Hội Nông dân xã trước sự chứng kiến đông đảo mọi người. Con dao phát nương được đưa xuống bếp, mấy thanh niên hì hục thổi lửa, nung dao đỏ rừng rực.

Đón con dao từ tay đám thanh niên, rất bình thản, Chủ tịch xã Đinh Hợp từ từ đưa khối thép bỏng rẫy ấy ngang mặt rồi bất ngờ cắn mạnh. Ông chắp tay sau lưng, từ từ đi vòng quanh nhà. Một vòng, hai vòng, hoặc ba vòng. Không hề biến dạng sắc mặt, Chủ tịch xã Đinh Hợp đưa ánh mắt về phía người đã thách đố mình.

Khi ấy, vị cán bộ biên phòng đang há hốc mồm kinh hãi. Mãi đến khi người ngồi cạnh vỗ vai “đánh thức” vị cán bộ này mới giật mình choàng tỉnh và chắp tay bái phục… Đáng kỳ lạ là khi ông Đinh Hợp há miệng ra, hai hàm răng của ông vẫn còn nguyên. Theo như ông nói, mỗi lần thực hiện ma thuật này răng ông càng chắc thêm.