Thứ trưởng Sơn Phước Hoan khẳng định: Bên cạnh những kết quả to lớn đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo (XĐGN), đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững.
Nguyên nhân nào dẫn đến việc XĐGN chưa bền vững như vậy, thưa Thứ trưởng? - Nguyên nhân có rất nhiều. Trước hết do địa bàn triển khai XĐGN là vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay có trên 5.000 xã có đồng bào sống khá tập trung, nhưng cũng có hơn 2.200 xã khu vực III địa hình hiểm trở. Chỉ cần một đợt thiên tai hoặc một cú sốc kinh tế, hộ nghèo lại tái nghèo. Đấy là nguyên nhân hết sức khách quan.
Người dân xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai thu hoạch ngô
Một nguyên nhân nữa là với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc đầu tư cho chính sách dân tộc khó đảm bảo theo mục tiêu đề ra, thực tế có những chính sách đầu tư chỉ mới đạt được 30 - 40%, có chính sách cao lắm đạt 50 - 60%, còn lại là dang dở, không hoàn thành về thời gian, chính vì vậy mà có thể dẫn đến những trường hợp dang dở, lãng phí. Ví dụ như xây một đoạn đường nhưng với kinh phí đầu tư chúng ta mới làm được phân nửa thì hết, đoạn còn lại chưa làm tới được dẫn tới bỏ dở, hoang phí.
Ngay như Chương trình 30a của Chính phủ đầu tư cho các đề án thuộc cấp huyện cần 3.000 tỷ đồng, trong khi đó, năm 2009, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư được 25 tỷ đồng, năm 2010 được 20 tỷ đồng; hay Chương trình 135 giai đoạn 2 vốn đầu tư hỗ trợ trong 5 năm bình quân mới đạt được 5,2 tỷ đồng/xã.
Còn hạn chế nữa là năng lực triển khai kém, không làm được hoặc nếu có làm thì tổ chức triển khai không đến nơi đến chốn, nhất là gắn với cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn như công trình xây dựng nhưng không khảo sát, hoặc khảo sát không kỹ, làm xong không sử dụng được. Đối với người dân thì vô tư tiếp nhận hỗ trợ trong khi điều kiện, năng lực của họ hạn chế, dẫn đến hiệu quả không được cao.
Nhiều nhận định cho rằng XĐGN thiếu bền vững còn do sự chồng chéo, bất hợp lý trong chính sách hỗ trợ đầu tư. Ông nhận định thế nào? - Nhìn chung, đến nay các chính sách đến với địa bàn thụ hưởng tương đối nhiều. Hiện có tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia, ngoài ra còn có các chương trình do từng cơ quan bộ, ngành thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước. Nếu như 16 chương trình này cùng đồng bộ thực hiện sẽ có tác dụng lớn. Tuy nhiên, chương trình nào cũng có cơ chế riêng của nó, nếu ở Trung ương không thể lồng ghép được, thì về tới địa phương càng không có cách nào lồng ghép.
Ngoài chính sách còn có câu chuyện về địa bàn. Ví dụ như Chương trình 30a thực hiện chủ yếu là ở 62 huyện nghèo. Nhưng những vùng đó đối tượng là DTTS chiếm đa số. Trong khi thôn, xã là do UBDT quản lý, thực hiện Chương trình 135, còn huyện lại do Bộ LĐTBXH chỉ đạo. Do sự chồng chéo như vậy nên ai đến kiểm tra cũng được, báo cáo có khi do UBDT làm, có khi do Bộ LĐTBXH, nên việc báo cáo không rõ, mỗi bên chỉ nắm một phần. Chính điều đó làm cho hiệu quả của các chính sách trên phần nào đó không như mong muốn.
"Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế, xã hội vùng DTTS đã có chuyển biến, tiến bộ... tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, nếu năm 2006 tỷ lệ là 39,27%, thì đến năm 2012 đã giảm xuống còn 20,11%; thu nhập bình quân tăng gấp 3 lần so với năm 2006, đạt hơn 15 triệu đồng/người/năm”. Ông Sơn Phước Hoan
|
Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách hiện nay còn mang tính chất nhiệm kỳ. Đây là bất cập lớn. Có những mục tiêu ta đưa ra rất lớn nhưng chỉ cho rất ít thời gian, trong khi nguồn kinh phí lại không đảm bảo. Dẫn đến hệ quả là đạt được 50%, số còn lại phải tiếp tục xây dựng chính sách mới nữa, rất mất thời gian và với quy trình cực kỳ khó khăn. Nếu không thay đổi tư duy xây dựng chính sách, công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững không thể nào thực hiện được. Do vậy, chúng tôi đang đề nghị xây dựng chính sách không nên bị bó buộc bởi tư duy nhiệm kỳ.
Thứ trưởng từng nói rằng, các chính sách hỗ trợ người nghèo vùng DTTS phải được kết hợp lại mới có thể tạo nên sự bứt phá trong công tác giảm nghèo. Phải chăng đó là giải pháp để khắc phục sự chồng chéo, lãng phí trên?
- Những bất cập chồng chéo về đối tượng và địa bàn đã được báo cáo Thủ tướng. Và sau hội nghị toàn quốc rà soát đánh giá chính sách thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi tổ chức hồi tháng 4.2013, các bộ, ngành đã có những chuyển biến. Như Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đối tượng ưu tiên là đồng bào DTTS, nhưng đề án không có câu chữ nào gắn với UBDT. Chúng tôi đã tham gia ý kiến, ban soạn thảo đã tiếp thu, đã đưa UBDT vào là một thành viên của ban chỉ đạo, đồng thời giao rõ nhiệm vụ cho UBDT tổng hợp nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo để phối hợp với các cơ quan có chức năng đào tạo. Tôi thấy đó là một chuyển biến trong cách nhìn nhận vấn đề.
Hay trong Nghị định 134 về chế độ cử tuyển học sinh dân tộc miền núi cũng vậy, sự phối hợp giữa Bộ GDĐT và UBDT không rõ, đối tượng cử tuyển là con em đồng bào DTTS nhưng hầu như mọi khâu đều do Bộ GDĐT thực hiện. Thời gian qua, Bộ và UBDT đã bàn bạc, dự kiến đưa chương trình cử tuyển cho UBDT chủ trì giao chỉ tiêu cho các địa phương; xem ngành nghề đào tạo nào phù hợp, địa bàn nào đào tạo nhiều chuyển sang địa bàn ít; theo dõi quá trình đi học của các em. Đó chính là những kết hợp để có thể tạo nên những bứt phá trong công tác giảm nghèo hiện nay.
Xin cảm ơn ông!