Đến thời điểm này, giá mủ tươi cao su giảm chỉ còn 15 triệu đồng/tấn, trong khi mủ sơ chế cũng chỉ đạt 42 triệu đồng/tấn.
Lương không đủ sốngBình Phước là nơi trồng nhiều cao su và có lực lượng công nhân trong lĩnh vực này đông nhất vùng Đông Nam Bộ, nhưng thời gian qua, rất nhiều công nhân cạo mủ đã phải bỏ việc vì thu nhập quá thấp. Anh Nguyễn Công Thành - công nhân Nông trường Cao su Nha Bích (huyện Chơn Thành) cho biết, hiện công nhân nhà máy nhận lương theo sản lượng, dao động trong khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, trong khi năm 2012, cả lương và thưởng họ nhận được gần 10 triệu đồng/người/tháng, không những chi tiêu thoải mái mà còn dành ra được một khoản gửi về quê phụ giúp gia đình.
Còn với mức lương hiện tại, họ tiết kiệm mấy cũng không đủ sống. Tương tự, anh Cao Thanh Phương - công nhân một nhà máy cao su tại huyện Bù Gia Mập cho biết: Nhà máy trả lương khoán cho công nhân tính theo diện tích vườn cây, nhưng năm nay giá cao su rớt thê thảm, cộng với việc vườn cây bị bệnh nên năng suất mủ kém, dẫn đến lương rất thấp, có tháng chỉ kiếm được 1,2 triệu đồng.
Thu nhập thấp, nhiều công nhân cao su đã bỏ nghề.
Theo tìm hiểu, không chỉ ở Bình Phước mà cả ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai…, lương công nhân cao su đều đã được điều chỉnh giảm từ 10-30%, bình quân đạt 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Cũng do cao su rớt giá, lương công nhân không đủ sống nên mới đây đã xảy ra vụ đình công của hơn 200 công nhân tại Trạm Thực nghiệm cao su Lai Khê, huyện Bến Cát (Bình Dương).
Doanh nghiệp chia sẻ gánh nặng với công nhânÔng Nguyễn Tăng Vinh - Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (Gia Lai) cho biết, đúng là năm nay lương của công nhân cạo mủ đều giảm. Tuy nhiên, công ty sẽ dành khoảng 6 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ tiền lương cho công nhân. Dự kiến từ nay đến cuối năm, trung bình lương công nhân sẽ đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Nguyễn Công Thành, từ nay đến cuối năm, nếu thu nhập không được cải thiện thì không chỉ anh mà rất nhiều công nhân trên địa bàn buộc phải bỏ nghề.
|
Dù chỉ là chủ nông trại cao su 20ha tại huyện Bù Gia Mập, với vài chục công nhân nhưng ông Nguyễn Hữu Năm vẫn tuyên bố không giảm lương. Ông Năm cho biết, cuộc sống của công nhân đã rất khổ cực, nếu giảm lương họ sẽ không thể bám trụ với nghề. Để giải bài toán này, một mặt ông Năm chấp nhận giảm lợi nhuận, mặt khác đẩy mạnh chăm sóc để có sản lượng cao su tốt nhất, qua đó đảm bảo đời sống ổn định cho công nhân.
Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cũng đã có kế hoạch cụ thể trong việc đảm bảo đời sống công nhân. Ông Nguyễn Hồng Phú - Phó Tổng Giám đốc VRG cho biết, năm nay lương công nhân có giảm và đạt trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng nếu so với năm 2012 lương khoảng 7 triệu đồng/tháng thì mức giảm có thể chấp nhận được. Để có mức lương trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng, VGR đã phải cắt giảm những cuộc hội họp, các chuyến đi nước ngoài không cần thiết, đồng thời tập trung chỉ đạo bón cây theo kỹ thuật mới để cao su cho năng suất cao, từ đó tăng thu nhập.