“Lậm” tiền nạo vét kênh mươngSau khi DĐĐT xong, cuối năm 2012 HTX Đại Thành, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) tiến hành nạo vét kênh mương. Qua họp bàn, xã viên đã nhất trí thuê máy với giá 20.000 đồng/m3 chìm, nếu xã viên làm là 25.000 đồng/m3. Nhưng khi nghiệm thu, Chủ nhiệm HTX Trần Văn Mừng đã tự ý nghiệm thu khối nổi mà không có giám sát, tổng là 4.095m3. Không nhất trí, xã viên yêu cầu đo lại, kết quả đo khối chìm là 1.514,3m3. Như vậy, ông Mừng nghiệm thu vượt 2.580,7m3, tương đương 51,6 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Huế - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh khẳng định, ông Mừng và HTX phải tự chịu 51,6 triệu đồng do nghiệm thu thừa. “Nguyên nhân là do ông Mừng không trích đầy đủ thỏa thuận giữa xã viên và Ban Quản trị HTX trong cuộc họp vào biên bản. Lỗi này là của ông Mừng và Ban Quản trị HTX, do đó phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền trên” – ông Huế nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mừng cũng thừa nhận, do thiếu hiểu biết, năng lực yếu kém nên dẫn đến sai sót trên. Ông Mừng cam kết sẽ trả và hiện đã trả được hơn nửa. Tuy nhiên, hầu hết xã viên không đồng tình với cách giải quyết trên và cho rằng, thôn, xã phải có hình thức kỷ luật đối với ông Mừng.
Không những thế, theo ông Trần Văn Cửu (xã viên HTX Đại Thành), Nhà nước đang vận động người dân hiến đất để mở rộng đường, ngay cạnh nhà ông Mừng, hộ ông Nguyễn Văn Dũng đã tình nguyện phá tường rào, xây lùi vào cả chục m2, vậy mà ông Mừng còn cố tình xây nhà thờ họ lấn ra đường. Sau khi người dân phản ánh, xã đã yêu cầu ông Mừng phá bỏ phần lấn chiếm và phạt 500.000 đồng. Nhưng chỉ vài ngày sau, ông Mừng lại tiếp tục xây lấn ra đường khoảng 60cm, dài 6m.
“Thách” dân kiện!Như NTNN đã phản ánh ở số báo trước về việc người dân ở HTX Cổ Đô, huyện Ba Vì (Hà Nội) vì DĐĐT mà xô xát với cả chính quyền ngay tại cánh đồng. Qua điều tra, phóng viên còn phát hiện thêm sai phạm của các cán bộ HTX ở đây. Theo đơn thư tố cáo của ông Nông Văn Trí (SN 1964, nguyên Trưởng ban Kiểm soát HTX Nông nghiệp Cổ Đô), khi còn làm Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đô đã để cấp dưới bỏ ngoài sổ sách, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng và hàng chục tấn thóc, hô “biến” hàng chục mẫu đất từ dạng này sang dạng khác. Theo ông Trí, mặc dù xã dồn ghép ruộng đất đã nhiều năm, nhưng vẫn chưa cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc khu đồng Bòng Trong giáp Quốc lộ 93 đã cắm đất dãn dân (có bìa đỏ), nhưng thực tế diện tích đất này vẫn là đất nông nghiệp của xã viên.
Ông Lê Thiết Cương – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: Hiện, Sở NNPTNT Hà Nội chưa nhận được đơn thư tố cáo của nhân dân thôn Cổ Đô về những sai phạm của lãnh đạo xã trong công tác DĐĐT, xây dựng NTM, nên Sở chưa tiến hành xác minh hay kết luận ai đúng ai sai. Qua thông tin của báo NTNN, Sở sẽ đề nghị huyện Ba Vì điều tra xác minh, nếu phát hiện Ban Chỉ đạo DĐĐT xã Cổ Đô có sai phạm, làm trái hướng dẫn số 29 của Sở NNPTNT Hà Nội về quy trình thực hiện công tác DĐĐT, thì sẽ đề nghị cho xử lý nghiêm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Trần Quang
|
Chính vì thế, lợi dụng phê duyệt của UBND huyện Ba Vì cho thôn Cổ Đô quy hoạch sử dụng đất đai giai đoạn 2002 - 2010, năm 2006 UBND xã Cổ Đô đã lấy đất thầu ao dọc đường 411 (nay là đường 93), cùng 1.610m2 liền kề (là ruộng anh Đào Duy Tự ở đội 1, thôn Cổ Đô đang canh tác) để bán cho dân làm nhà ở.
Người mua lại ở địa phương khác, không thuộc đối tượng dãn dân. Vô lý ở chỗ, trong “phi vụ” bán đất này, người có đất chỉ được hưởng 50% (gọi là đền bù), còn HTX hưởng 50%. “Bản thân ông Nguyễn Văn Thủy thầu 21.530m2 đất và “trốn” đất dãn dân theo quy hoạch, nhưng khi nhận kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng sau DĐĐT (3 triệu đồng/ha), thì diện tích thầu của ông Thủy tăng lên… 42,6ha, qua đó chiếm đoạt 138 triệu đồng của Nhà nước” – ông Trí cho biết thêm.
Không thừa nhận toàn bộ sai phạm như đơn tố cáo nêu, ông Thủy cho rằng: “Chỉ có một số hộ dân ở thôn Cổ Đô đang chống đối chính sách DĐĐT, khiếu kiện vượt cấp. Cả 3 cấp (thành phố, huyện, xã) đều trả lời việc tố cáo sai phạm của xã Cổ Đô là không có cơ sở”. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi vì sao người dân không đồng ý dồn ghép ruộng đất mà xã vẫn tiến hành dồn thì ông Thủy không trả lời được (?).
Không chỉ sai phạm trong công tác DĐĐT, lợi dụng chức quyền để tư lợi cá nhân, một số lãnh đạo xã Cổ Đô còn có hành vi trù dập những người dân đứng lên tố cáo. Bà Nguyễn Thị Hằng ở đội 3, thôn Cổ Đô than: “Chúng tôi đấu tranh đòi lại lẽ phải và quyền lợi cho mình, vậy mà từ quan xã đến quan thôn đều trù dập chúng tôi. Tôi và hơn 100 hộ dân trong thôn đã ký vào đơn tố cáo sai phạm của lãnh đạo xã, sau đó xã cố tình không ký vào giấy cho con tôi đi học. Cụ thể là ông Nguyễn Quang Trung - Phó Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đô không ký vào giấy tờ mà còn lấy bút gạch ngang dọc vào giấy, đồng thời chỉ mặt tôi thách thức: Bà cứ đi kiện đâu được thì bà đi! Tôi sẽ không ký giấy cho con bà đi học đâu”.
Cùng cảnh ngộ với nhà bà Hằng, hộ bà Nguyễn Thị Lập ở đội 1 có con xin đi làm ở Thái Nguyên, chỉ chờ xin giấy tạm vắng tại địa phương là có thể đi làm, nhưng khi bà Lập mang giấy tờ lên xã xin dấu thì nhận được câu trả lời: Gia đình không chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước nên không đóng dấu. Bà Lập than vãn: “Chỉ vì tôi ký vào đơn chống tiêu cực, tố cáo sai phạm của lãnh đạo mà con cái giờ thành ra thất nghiệp. Lãnh đạo xã còn “dọa” là cuối năm sẽ không cấp chứng nhận gia đình văn hóa cho gia đình tôi và nhiều hộ khác...”.
Cổ Đô là xã điểm xây dựng NTM của huyện Ba Vì, nhưng do những sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo trong quá trình DĐĐT, quản lý đất đai mà tiến độ triển khai chương trình đang bị chậm lại, chưa biết bao giờ về đích...