Dân Việt

Tín dụng cuối năm: Ngân hàng mong ngóng, khách hàng thờ ơ

Trong khi các ngân hàng vẫn tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm lôi kéo khách hàng, thì các doanh nghiệp lại than không tiếp cận được nguồn vốn...
Tắc tín dụng

Thời điểm này của những năm trước hoạt động cho vay tại ngân hàng và doanh nghiệp (DN) rất sôi động, nhưng năm nay cả người đi vay và người cho vay đều đang "bế tắc”. DN thì tắc khâu tiêu thụ, còn ngân hàng thì tắc vốn, không thể cho vay. Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10 chỉ dừng ở mức 7,18%. Với tình hình sức cầu chưa cải thiện, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay sẽ không dễ đạt được.

Tuần trước, cuộc họp của nhóm 14 ngân hàng đã tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm. Con số hơn 4% tín dụng tăng trưởng còn thiếu để đạt mục tiêu sẽ thực sự khó khi mọi giải pháp đều đã được khai thác hết trong mấy tháng qua, thậm chí cả việc đa dạng hóa các hình thức cho vay sản xuất và tiêu dùng. Nhưng theo phản ánh chung, mức độ chuyển biến vốn vẫn diễn ra rất chậm.

 Nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp (ảnh minh hoạ).
Nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp (ảnh minh hoạ).

Đại diện chi nhánh Ngân hàng Vietcombank TP.HCM cho biết, 40% dư nợ của các chi nhánh Vietcombank trên địa bàn nằm ở lĩnh vực xuất khẩu. “Tuy nhiên, thời gian qua các DN xuất khẩu rơi vào khó khăn, nhất là thủy sản và gạo nên tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng”.

Giải thích về tình trạng “tắc” tín dụng, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là DN vừa và nhỏ. Theo TS Trần Du Lịch, đề nghị làm rõ vì sao đến thời điểm này tín dụng vẫn không tăng. Theo TS Trần Du Lịch, phải tìm ra chỗ ách tắc mới có thể khai thông được.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Việc các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất vay có tác động đến vấn đề khơi thông nguồn vốn, nhưng không nhiều lắm. Bởi vấn đề của các DN bây giờ không phải vì lãi suất, bởi trước đó lãi suất cũng đã giảm rồi, mà vì khả năng tiếp cận của họ không có”.

Doanh nghiệp chết khô

Chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) chia sẻ: “Hơn 2 năm qua việc chăn nuôi heo và trồng lúa gặp khó khăn do giá rớt khiến nhiều người thua lỗ. Khi nghe chủ trương hỗ trợ vốn để khôi phục ngành chăn nuôi, nông dân ai cũng mừng. Thế nhưng việc tiếp cận các ngân hàng xin vay vốn rất khó, bởi họ viện nhiều lý do như không đủ tiêu chuẩn, nghề chăn nuôi gặp nhiều rủi ro… cuối cùng từ chối cho vay”.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN kiến nghị, các ngân hàng cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, giúp cho nguồn vốn đến với nông dân thuận lợi và hiệu quả hơn. Cụ thể là ngân hàng cần thực hiện cải tiến quy trình thủ tục cho vay cho phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn; theo phân loại khách hàng...

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu thực tế: DN thủy sản rất cần vốn để thu mua nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu nhưng thời gian qua rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nông dân nuôi trồng thủy sản thì càng khó tiếp cận vốn vay hơn vì thường không có tài sản thế chấp, sản xuất lại rủi ro cao.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển xác nhận thực trạng: Người muốn vay là các DN nhỏ, nông thôn thì không đủ tiêu chuẩn để vay (do phải thế chấp) và đối tượng ngân hàng muốn cho vay thì lại không cần vay. Hơn nữa, tiền gửi ngắn hạn nhiều mà người vay thì muốn vay trung hạn. Điều này vô hình đã tạo điểm nghẽn khiến tiền khó vào sản xuất.