Dân Việt

Những chuyện lạ về thủy lợi của nông nghiệp Nhật Bản

Việt Tùng 14/11/2013 07:28 GMT+7
Trong khi ở Việt Nam, từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 về miễn, giảm thủy lợi phí và Nhà nước sẽ cấp bù khoản này, thì ở Nhật Bản không những không miễn giảm mà còn thu phí rất cao. Quan điểm của họ là “người được hưởng lợi phải đóng phí”.
Quy mô và kiên cố

Chỉ tính riêng tỉnh Hokkaido (đảo lớn thứ 2 Nhật Bản) hiện có khoảng 400 đập, hồ thủy lợi, tưới tiêu cho khoảng 1,2 triệu ha. Hồ thủy lợi ở Nhật Bản chỉ làm duy nhất một nhiệm vụ là điều tiết nước tưới, chứ không kết hợp làm thủy điện như một số đập, hồ thủy lợi ở nước ta.

Sở dĩ họ không kết hợp bởi địa hình tương đối bằng phẳng, nếu dâng nước cao để làm thủy điện sẽ làm ngập nhiều vùng khác. Thứ nữa ở Nhật Bản quy định rất rõ, hàng năm các công ty thủy lợi chỉ được lấy nước từ 10.5 đến 31.8, với dung tích 20 – 26m3/s, với lượng nước này rất khó làm thủy điện, hơn nữa nếu có làm cũng chỉ khai thác được hơn 3 tháng sẽ rất lãng phí, hao tổn máy móc.

Hộ thống kênh mương kiên cố, hiện đại, khoa học ở Fukagawa (Hokkaido)
Hộ thống kênh mương kiên cố, hiện đại, khoa học ở Fukagawa (Hokkaido)

Ông Nakajika Kazutaka – Trưởng phòng Tổng vụ khu cải tạo đất Kitasorachi (Hokkaido) cho biết, ở Hokkaido có khoảng 90 khu cải tạo đất, còn cả nước có khoảng 5.000 khu. Riêng khu cải tạo đất Kitasorachi quản lý 15 khu tưới tiêu cho 4.575ha, với hơn 400km kênh mương. Trong đó 50km kênh chính, 80km kênh phụ, 23km kênh thoát và 73 tuyến đường nông nghiệp…

Theo ông Nakajika, tất cả những công trình thủy lợi này đều được Nhà nước đầu tư và giao cho các khu cải tạo đất quản lý và khai thác, với số tiền không hề nhỏ. Chỉ tính riêng dự án cải tạo tại khu Shirebeshi, tưới tiêu cho khoảng 997ha đã lên tới gần 170 triệu yên (tương đương 3.500 tỷ đồng). Còn đập Kitasorachi với chiều rộng 144m, thì nguồn đầu tư lên đến hàng trăm triệu yên.

Tại đập Kitasorachi, tất cả các hệ thống đóng, mở van đều được vận hành trên máy điện tử, việc quản lý đập được giám sát bằng camera. Các hệ thống kênh mương từ kênh chính, đến kênh phụ được quy hoạc thẳng tắp, xây dựng kiên cố. Một thiết kế mà dường như ở Việt Nam không có, đó là tại mỗi cửa cống họ đều xây một đường cho cá vượt (đường đi của cá), với thiết kế giống các bậc thang nhà thấp, nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, sinh thái. Trên các tuyến kênh chính rộng được đậy bằng nắp bê tông, rồi đổ đất lên trồng hoa, cây xanh và nơi đây trở thành công viên, nơi vui chơi giải trí cho người dân xung quanh.

Ông Nakajika tự hào nói: “Chúng tôi làm thế này vừa tiết kiệm được đất, vừa tạo nên cảnh quan, đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường”.

Hưởng lợi phải đóng phí

Ông Imai Shin-cán bộ Phòng Chính sách nông nghiệp (Hokkaido) cho biết, sau khi bàn giao các công trình thủy lợi, việc thu chi tu bổ, bão dưỡng là do đơn vị tiếp nhận đảm nhiệm. Đây là một trong những lý do khiến Chính phủ Nhật Bản không thực hiện việc miễn, giảm thủy lợi phí cho người dân. “Mỗi ha, người dân phải đóng gần 6.000 yên/năm (tương đương 12 triệu đồng). Khoản phí này một phần trả lương cho công nhân vận hành, phần còn lại dành cho việc tu bổ định kỳ. Đối với những tu bổ lớn, chính quyền, đơn vị quản lý có thể xin Nhà nước hỗ trợ” – ông Imai Shin thông tin.

Chị Hamimi ở Fukagawa, đang cấy 3ha lúa và gần 1ha hoa màu chia sẻ: “6.000 yên là khoản phí chấp nhận được. Điều chúng tôi quan tâm nhiều nhất là chất lượng các công trình, chất lượng nước phục vụ cho việc sản xuất. Nhìn chung chúng tôi đều hài lòng”.

“Ở Việt Nam, Nhà nước miễn, giảm 100% thủy lợi phí, trong khi đó Nhật Bản là một nước phát triển vì sao lại không miễn, giảm thủy lợi phí cho người dân?” - tôi hỏi. Ông Kanagawa Hiroshi – Giám đốc Tổ chức NPO Ủy ban Quốc tế Hokkaido thẳng thắn: “Các công trình thủy lợi ở Hokkaido được Nhà nước đầu tư rất kiên cố, nếu miễn, giảm hoàn toàn cho người dân, Nhà nước sẽ rất khó huy động nguồn vốn để xây dựng và tu sửa. Quan điểm của chúng tôi là ai được hưởng lợi thì người đó phải đóng phí”.

Còn Giáo sư Ohmichi Masayuki – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hokkaido, một trường đào tạo nguồn nhân lực kế cận cho nông nghiệp cho rằng: “Thu thủy lợi phí là cách tốt nhất để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, đồng thời nâng cao ý thức của người dân. Đóng phí cũng là cách để thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy sự phát triển đất nước”.